Năng lượng tái tạo

Quỹ CDP huy động nguồn lực tài chính cho các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam

Thứ ba, 1/7/2025 | 09:33 GMT+7
Quỹ CDP (Cassa Depositi e Prestiti) - tổ chức tài chính phát triển thuộc Chính phủ Italy có vai trò quan trọng trong việc huy động nguồn lực tài chính cho các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam trong khuôn khổ Quan hệ đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP).

Theo Vụ Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công Thương), ngày 30/6, tại Roma (Italy), trong khuôn khổ chuyến công tác tháp tùng Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Ánh Xuân, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long đã làm việc với lãnh đạo cấp cao của Quỹ CDP (Cassa Depositi e Prestiti) - tổ chức tài chính phát triển thuộc Chính phủ Italy và đại diện các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo của nước này.

CDP là tổ chức tài chính phát triển hàng đầu của Chính phủ Italy với sứ mệnh thúc đẩy phát triển bền vững, hỗ trợ doanh nghiệp và đầu tư vào hạ tầng chiến lược. CDP huy động vốn từ tiết kiệm quốc gia để tài trợ cho các dự án có tác động kinh tế - xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, đô thị và đổi mới sáng tạo.

Là định chế tài chính phát triển được EU và Quỹ Khí hậu Xanh công nhận, CDP đóng vai trò tích cực trong hợp tác quốc tế, trong đó có các sáng kiến tại Việt Nam nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, đầu tư xanh và chuyển dịch năng lượng.

Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: moit.gov.vn)

Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi về vai trò của CDP trong thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Italy, cũng như tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực tài chính phát triển, đặc biệt là huy động nguồn lực tài chính cho các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam trong khuôn khổ Quan hệ đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP).

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long đánh giá cao vai trò của CDP trong sáng kiến tài chính bền vững và những đóng góp cụ thể đối với JETP tại Việt Nam. Đáng chú ý là biên bản ghi nhớ giữa EVN và AFD - đại diện cho CDP cùng năm đối tác khác trong Nhóm các Đối tác quốc tế (IPG) về khoản tín dụng lên tới 480 triệu Euro để xây dựng Nhà máy thủy điện tích năng Bắc Ái công suất 1.200 MW.

Thứ trưởng đề nghị CDP tiếp tục phối hợp chặt chẽ với phía Việt Nam trong việc huy động nguồn lực tài chính, triển khai các hoạt động khảo sát thực địa, thúc đẩy những dự án JETP còn lại, đồng thời xem xét mở rộng sang các sáng kiến mới góp phần thực hiện cam kết giảm phát thải và phát triển bền vững.

Khẳng định định hướng ưu tiên của Chính phủ Việt Nam đối với phát triển năng lượng tái tạo, Thứ trưởng cho biết Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đặt mục tiêu đạt 6.000 MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 và 17.500 MW vào năm 2035. Đây là lĩnh vực đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn, ước tính khoảng 60 - 70 tỷ USD.

Thứ trưởng nhấn mạnh, Việt Nam mong muốn đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp Italy - quốc gia có thế mạnh về công nghệ, tài chính và kinh nghiệm triển khai các dự án năng lượng quy mô lớn nhằm xây dựng chuỗi cung ứng trong nước, nâng cao chất lượng nhân lực và phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi.

Cũng trong khuôn khổ buổi làm việc, đại diện nhiều doanh nghiệp năng lượng tái tạo của Italy như VARD, Fincantieri, CESI, Tecnimont, SNAM, Ansaldo Energia… đã giới thiệu năng lực, chia sẻ kinh nghiệm triển khai các dự án tại châu Âu và các thị trường mới nổi, đồng thời bày tỏ mong muốn mở rộng hiện diện tại Việt Nam thông qua hợp tác cụ thể với những đối tác trong nước và tham gia vào các dự án tiềm năng trong thời gian tới.

Kết thúc buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long hoan nghênh sự quan tâm và cam kết của phía Italy, đồng thời khẳng định Bộ Công Thương sẵn sàng làm đầu mối kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc xác lập quan hệ hợp tác với các đối tác Việt Nam, từ đó góp phần thúc đẩy đầu tư, chuyển giao công nghệ và hiện thực hóa những mục tiêu chuyển dịch năng lượng bền vững tại Việt Nam.

Lan Anh