Quy hoạch, xây dựng

Quyết định mở cảng cạn Tân cảng Quế Võ (Bắc Ninh)

Thứ tư, 25/8/2021 | 11:21 GMT+7
Bộ Giao thông vận tải mới đây đã có quyết định số 1543/QĐ-BGTVT công bố mở cảng cạn Tân cảng Quế Võ nằm trong quy hoạch chi tiết phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo quyết định, cảng cạn Tân cảng Quế Võ thuộc địa phận các xã Đức Long, Châu Phong, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Chủ đầu tư dự án là Công ty CP Tân cảng Quế Võ. Cục Hàng hải Việt Nam là đơn vị có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, giảm sát hoạt động của cảng cạn theo quy định tại Nghị định số 38/20117/NĐ-CP ngày 4/4/2017 của Chính phủ và quy định của pháp luật có liên quan.

“Chủ đầu tư cảng cạn thực hiện các trách nhiệm và quyền hạn của doanh nghiệp khai thác cảng theo quy định pháp luật hiện hành; tổ chức khai thác cảng cạn khi đã hoàn thành đầy đủ thủ tục theo quy định và đúng mục đích, phù hợp với các giai đoạn đầu tư, bảo đảm an toàn, an ninh, phòng chống cháy, nổ, phòng ngừa ô nhiễm môi trường”, Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh.

Ảnh minh họa

Cảng cạn Tân cảng Quế Võ có tổng diện tích gần 10 ha, gồm 5 cầu tàu có thể đón cùng lúc 5 sà lan trọng tải 160 TEUs, công suất ước đạt 6 triệu tấn/năm. Cảng được thành lập nhằm mục đích khai thác, kinh doanh dịch vụ và thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa hợp với quy định Nghị định số 38/2017 của Chính phủ và giấy chứng nhận đầu tư/đăng ký kinh doanh được cơ quan có thẩm quyền cấp.

Trong tương lai, cảng cạn này sẽ tiếp tục được mở rộng lên hơn 30 ha, bổ sung các kho hàng, trung tâm phân phối trở thành trung tâm logistics của tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và các tỉnh lân cận.

Với Tân cảng Quế Võ, hiện Việt Nam đã có tất cả 10 cảng cạn gồm: cảng cạn Hải Linh (Phú Thọ); cảng cạn Móng Cái (Quảng Ninh); cảng cạn Tân cảng Hải Phòng, cảng cạn Đình Vũ Hải Phòng, cảng cạn Hoàng Thành (Hải Phòng); cảng cạn Long Biên (Hà Nội); cảng cạn Tân cảng Hà Nam (Hà Nam); cảng cạn Phúc Lộc (Ninh Bình) và cảng cạn Tân cảng Quế Võ (Bắc Ninh).

Hạ Quyên