Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, năm 2020 lượng xuất khẩu viên nén từ gỗ và phế phẩm gỗ của Việt Nam đạt khoảng 3,2 triệu tấn, đứng thứ 2 thế giới. Đây là ngành “nóng” cần được quan tâm, phát triển hơn trong tương lai.
Hiện nay, gần 100% lượng viên nén từ Việt Nam được xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc. Các thị trường này chủ yếu nhập khẩu sản phẩm để phục vụ cho hoạt động nhiệt điện trong nước.
Năm 2020, cả nước có 74 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu viên nén. Trong đó có 17 doanh nghiệp xuất khẩu quy mô lớn, trên 50.000 tấn sản phẩm.
Nghiên cứu về cung cầu viên nén trên thế giới, các chuyên gia đưa ra dự báo nhu cầu tiêu thụ viên nén trên thế giới sẽ liên tục tăng nhanh. Cụ thể, tốc độ tăng nhu cầu sử dụng lên khoảng 250% trong giai đoạn 2021 - 2030, từ 14 triệu tấn năm 2017 lên con số 36 triệu tấn vào năm 2030. Không chỉ Nhật Bản và Hàn Quốc mà nhiều quốc gia châu Âu cũng đã sử dụng viên nén là nhiên liệu đầu vào cho các nhà máy nhiệt điện.
![](/userfile/User/thanhtam/images/2021/7/8/vien-nen-go-20210708182530546.jpg)
Viên nén từ gỗ chủ yếu xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc để phục vụ nhu cầu phát triển nhiệt điện
TS. Tô Xuân Phúc, chuyên gia của Tổ chức Forest Trends nhận định, ngành sản xuất và xuất khẩu viên nén mới hình thành và phát triển tại Việt Nam với thời gian chưa đến 10 năm nhưng đây lại là ngành hứa hẹn đem về nguồn thu tỷ đô trong tương lại gần. Nhu cầu tiêu thụ viên nén trên thế giới liên tục tăng, Việt Nam lại có lợi thế về nguồn nguyên liệu, đây là động lực cho các hoạt động sản xuất và xuất khẩu viên nén của Việt Nam mở rộng.
Ông Tô Xuân Phúc đánh giá, để phát triển bền vững ngành này đòi hỏi sự kết nối và hợp tác giữa các doanh nghiệp cùng sản xuất và xuất khẩu mặt hàng này và giữa các doanh nghiệp này với các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng khác cùng sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào.
Các doanh nghiệp viên nén cũng cần thành lập cơ quan đại diện, nhằm kết nối với các cơ quan quản lý, tạo tiếng nói chung và tiếp cận với các thông tin về thị trường xuất khẩu. Việt Nam nên tận dụng lợi thế về nguồn nguyên liệu sinh khối cũng như vị trí thuận lợi để vận chuyển sản phẩm đến các thị trường tiêu thụ lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Do đó, để ngành sản xuất viên nén thành công hơn trong tương lai, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải giải quyết được một số khó khăn, tồn tại trước mắt như: nguồn nguyên liệu đầu vào chưa được kiểm soát, dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng bộ, có sản phẩm chất lượng kém; sản xuất và xuất khẩu viên nén chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của cơ quan quản lý; tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp do chưa có sự đồng nhất, thống nhất giữa các bên; tình trạng cạnh tranh nguồn nguyên liệu đầu vào giữa các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp cung ứng nguyên liệu như dăm gỗ, mùn gỗ còn diễn ra; các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu viên nén quy mô nhỏ còn chưa được tiếp cận, hiểu rõ thông tin về thị trường xuất khẩu.
Lam An (T/H)