Sản xuất lương thực liên quan mật thiết đến biến đổi khí hậu

Thứ ba, 1/3/2022 | 14:14 GMT+7
Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) vừa công bố tài liệu liên quan đến Báo cáo biến đổi khí hậu 2022, trong đó cảnh báo vấn đề lương thực và nông nghiệp có ảnh hưởng mật thiết với biến đổi khí hậu.

Theo báo cáo, trong số 540 tỷ USD mỗi năm được các Chính phủ dành để trợ cấp cho sản xuất lương thực, có đến 87% là gây ảnh hưởng cho môi trường thiên nhiên, khí hậu và đời sống con người, chẳng hạn như việc lạm dụng hóa chất nông nghiệp hoặc độc canh (canh tác một loại cây trồng). Cách tiếp cận nông nghiệp theo kiểu công nghiệp này đã được chứng minh là khiến cho sản xuất lương thực dễ bị ảnh hưởng hơn do tác động của khí hậu. Điển hình như việc độc canh sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm nước bởi độc canh làm giảm khả năng hấp thụ nước mưa và vùng đất đó dễ bị hạn hán hơn do thiếu sự đa dạng về chiều dài rễ cây và do chỉ hút nước từ một tầng trong lòng đất.

So sánh với canh tác nông nghiệp xanh - một phương pháp tiếp cận thân thiện với thiên nhiên và tương thích với nhiều kiểu khí hậu, phương pháp này giúp cây trồng có khả năng chống chịu tốt hơn trước các điều kiện khí hậu khắc nghiệt, tăng khả năng phục hồi, tăng sản lượng, giảm phát thải và cải thiện thu nhập của nông dân.

Canh tác nông nghiệp và sản xuất lương thực truyền thống ảnh hưởng trực tiếp đến tự nhiên và môi trường

Ngoài ra, báo cáo cũng chỉ ra rằng sản xuất lương thực thực phẩm đóng góp hơn một phần ba (37%) lượng phát thải khí nhà kính trên toàn cầu, hơn một nửa trong đó (57%) liên quan đến việc sản xuất thực phẩm từ động vật. Trong khi chuyển đổi sang các phương pháp canh tác đa dạng hơn, sản xuất sản phẩm thịt, sữa ít đi và giàu dinh dưỡng hơn là cách hiệu quả nhất để cắt giảm lượng khí thải từ ngành này và bảo vệ thiên nhiên. Một nghiên cứu của châu Âu cho thấy rằng sự chuyển đổi sang nông nghiệp xanh, khi các đàn gia súc nhỏ hơn trở thành một phần của hệ thống canh tác hỗn hợp, ta có thể cắt giảm lượng khí thải nông nghiệp xuống 47% so với năm 2010, đồng thời duy trì được khả năng xuất khẩu cũng như cung cấp đủ lương thực thực phẩm cho 530 triệu người châu Âu.

Một nghiên cứu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) cho thấy, trợ cấp nông nghiệp thường ưu tiên cho các doanh nghiệp nông nghiệp lớn thay vì các hộ nông dân sản xuất nhỏ. Trong khi các nhà sản xuất quy mô nhỏ là những mắt xích quan trọng đối với an ninh lương thực toàn cầu và rất dễ bị ảnh hưởng bởi các tác động khí hậu.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, tính trong 500 triệu hộ sản xuất nông nghiệp nhỏ, lượng lương thực thực phẩm sản xuất được chiếm 35% toàn cầu, với tỷ trọng tăng lên hơn 70% ở châu Á và khu vực châu Phi cận Sahara. Tuy nhiên, cho dù có tầm quan trọng lớn đối với an ninh lương thực, nông dân sản xuất nhỏ chỉ nhận được 1,7% số tiền trong quỹ tài chính vì khí hậu toàn cầu. Ở nhiều nước, nông dân sản xuất nhỏ cũng không được tiếp cận đất đai canh tác, cơ sở hạ tầng, tín dụng và thị trường một cách công bằng.

Hiện nay, hầu hết các quốc gia đã đưa vấn đề nông nghiệp vào kế hoạch hành động vì khí hậu, tuy nhiên mục tiêu đi kèm của họ vẫn rất mơ hồ và thiếu những hành động cụ thể.

Qua đây, IPCC cảnh báo, vấn đề lương thực và nông nghiệp có ảnh hưởng mật thiết với biến đổi khí hậu, vì vậy khi biến đổi khí hậu ngày càng mạnh mẽ, nếu không có hành động khẩn cấp, hàng triệu người sẽ có nguy cơ đối diện với mất an ninh lương thực. Theo đó, báo cáo nêu bật ba phương pháp chủ chốt để làm giảm rủi ro an ninh lương thực: giảm phát thải nhanh hơn; chuyển đổi sang các phương thức canh tác đa dạng hơn; hỗ trợ cho các hộ sản xuất quy mô nhỏ.

Thanh Tâm