Hà Tĩnh tiến tới xây dựng “Thành phố công viên”

Thứ ba, 1/3/2022 | 09:18 GMT+7
Để phát triển cây rừng điều hòa khí hậu, cân bằng hệ sinh thái, bảo đảm quốc phòng an ninh và phát triển kinh tế xã hội, UBND thành phố Hà Tĩnh nỗ lực tạo mảng xanh cho thành phố Hà Tĩnh – trung tâm đô thị lớn nhất của tỉnh.

Theo ông Nguyễn Trọng Hiếu, Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh, việc phát triển cây xanh cho thành phố là bước khởi đầu tạo dựng những không gian xanh trong tương lai. Bên cạnh đó, tỉnh đặt mục tiêu hướng đến việc xây dựng một đô thị đáp ứng nhu cầu chất lượng đời sống của nhân dân, phù hợp với xu thế phát triển đô thị mới.

Theo đó, thành phố Hà Tĩnh đặt ra trong 5 năm (2020 - 2025) sẽ trồng thêm 100.000 cây xanh mới, đồng thời phấn đấu phủ kín cây xanh nhằm đa dạng mảng xanh đô thị, xây dựng thành phố không chỉ từng bước thông minh, hiện đại mà còn thân thiện và đáng sống.

Với phương châm “Rừng trong phố” tiến tới “Thành phố công viên”, thời gian qua thành phố Hà Tĩnh đã tập trung trồng nhiều chủng loại cây để hình thành các không gian rừng cây, vườn cây theo từng chủ đề, chủ điểm, phù hợp với từng không gian, cảnh quan đô thị, phù hợp với bản sắc văn hóa của địa phương. Cách làm này đã tạo sức hút mạnh mẽ, nhận được sự hưởng ứng tích cực từ mọi tầng lớp nhân dân.

Hà Tĩnh phấn đấu phủ kín cây xanh nhằm đa dạng mảng xanh đô thị

Đến nay, thành phố Hà Tĩnh đã trồng được gần 20.000 cây xanh, sắp tới tiếp tục trồng mới tại nhiều công viên, khu vực như Núi Nài và tiểu công viên các phường, xã. Thời gian qua, UBND thành phố Hà Tĩnh không ngừng phối hợp với các lực lượng triển khai trồng rừng phòng hộ, rừng ngập mặn gắn với các bãi bồi ven tuyến đê bao quanh thành phố nhằm bảo vệ đê, chống xâm nhập mặn, đa dạng loại hình sinh thái, gắn với tái tạo nguồn lợi thủy sản, sinh kế cho nhân dân. Theo đó, diện tích rừng phòng hộ, rừng ngập mặn trên địa bàn đến nay cơ bản được bảo vệ, không ngừng phát triển về diện tích.

Lãnh đạo tỉnh chia sẻ, là một tỉnh chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, nhiều loại hình thiên tai hàng năm với các hiện tượng như bão, lũ, lũ quét, dông sét, lở đất, hạn hán xuất hiện với tần suất và cường độ ngày một lớn. Thực tế đó đã đặt ra không ít thách thức, đòi hỏi các cơ quan có trách nhiệm phải tìm ra giải pháp ứng phó hiệu quả.

Phát huy lợi thế về địa hình, thời gia qua các ngành chức năng ở Hà Tĩnh đã đi tìm lời giải, mở ra nhiều cơ hội cho người dân từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong đó, đẩy mạnh trồng rừng không những đóng góp một cách tích cực về mặt giá trị vật chất, tinh thần và môi trường sống cho mỗi cá nhân mà còn cho cộng đồng dân cư.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh Hoàng Quốc Huấn, năm 2021, toàn tỉnh trồng được 8.530ha rừng, từ đây các vùng đất trống, đồi núi trọc cơ bản được phủ xanh, rừng tự nhiên được phục hồi, sinh trưởng tốt, môi trường sinh thái, đa dạng sinh học được bảo vệ. Tuy nhiên, sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt cho thấy biểu hiện của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, làm ảnh hưởng lớn đến việc bảo vệ diện tích rừng.

Để thích nghi trong bối cảnh rủi ro khí hậu ngày càng gia tăng, ngoài việc trồng rừng phủ xanh đối núi thì việc trồng rừng ở đô thị đã được tính đến. Đây được xem là “chìa khóa” thích ứng với biến đổi khí hậu, trên thực tế, mô hình trồng “Rừng trong phố” đang được thực hiện khá thành công ở thành phố Hà Tĩnh.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh, nếu hoàn thành mục tiêu kế hoạch sau 5 năm triển khai, dự án triển khai mô hình “Rừng trong phố” sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho cuộc sống người dân thành phố Hà Tĩnh. Các mục tiêu của dự án đề ra sẽ giúp người dân được cảm nhận rõ hơn và tận hưởng không gian xanh của một đô thị, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Minh Khang (T/H)