Bất động sản

TPHCM: Hơn 1.000 ha đất chưa sử dụng

Thứ năm, 11/11/2021 | 16:31 GMT+7
UBND TPHCM vừa công bố kết quả thống kê đất đai năm 2020 trên địa bàn thành phố. Theo đó, thành phố còn hơn 1.000 ha đất chưa sử dụng.

Công tác thống kê đất đai này được thực hiện định kỳ, phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước về đất đai tại các cấp và được thực hiện theo từng đơn vị cơ bản là cấp xã.

Trong tổng số 209.539 ha diện tích tự nhiên của TPHCM, kết quả thống kê đất đai năm 2020 cho thấy có 114.875 ha (chiếm 53,39%) nhóm đất nông nghiệp; 96.634 ha (chiếm 46,12%) nhóm đất phi nông nghiệp và 1.031 ha (chiếm 0,49%) nhóm đất chưa sử dụng.

Về cơ cấu diện tích đất theo đơn vị hành chính, quận 4 và quận 5 có diện tích đất nhỏ nhất thành phố, lần lượt 418 ha và 427 ha, chiếm 0,2% so với tổng diện tích tự nhiên toàn thành phố. Địa phương có diện tích đất lớn thành phố là huyện Cần Giờ với 70.445 ha, chiếm 33,62%.

Trong 96.634,9 ha đất phi nông nghiệp trên địa bàn TPHCM, đất ở chiếm 29.313 ha. Trong đó, có 9.008 ha đất ở tại nông thôn và 20.305 ha đất ở tại đô thị.

Về cơ cấu diện tích đất theo đối tượng sử dụng, toàn thành phố có 162.155 ha đất được chia theo đối tượng sử dụng. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng 92.616 ha; tổ chức trong nước sử dụng 68.017 ha. Tổ chức nước ngoài sử dụng 917 ha; người Việt Nam định cư nước ngoài đang sử dụng 0,04 ha; cộng đồng dân cư và tổ chức tôn giáo sử dụng 550 ha.

Ảnh minh họa

Theo UBND TPHCM, so với năm 2019, diện tích các loại đất trên địa bàn thành phố có sự thay đổi. Cụ thể, đất nông nghiệp năm 2020 giảm 83 ha so với năm 2019. Trong khi đó, đất phi nông nghiệp tăng 83ha so với năm 2019. Diện tích đất chưa sử dụng không thay đổi.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên công tác thống kê đất đai năm 2020 chưa hoàn thành đúng tiến độ theo kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, số liệu của đợt thống kê này phản ánh đúng thực trạng về mục đích, đối tượng quản lý, sử dụng đất của thành phố.

Để khắc phục những hạn chế, UBND TPHCM kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần ổn định nhân sự thực hiện thống kê, kiểm kê đất đai ở các cấp, nhất là cấp xã bởi năng lực và chuyên môn cán bộ địa chính những nơi này không đồng đều, ít được tiếp cận với các phần mềm chuyên ngành.

Đồng thời, do kinh phí hạn hẹp nên UBND TPHCM kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn công tác quản lý Nhà nước về đất đai, thống kê đất đai cho công chức Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện và công chức địa chính cấp xã.

Thủy Quỳnh