TPHCM đẩy nhanh các dự án thoát nước, chống ngập úng

Thứ ba, 17/8/2021 | 15:53 GMT+7
Triển khai Kế hoạch giảm ngập nước giai đoạn 2021 - 2025, TPHCM sẽ hoàn thiện các đồ án quy hoạch thoát nước, chống ngập úng, tích hợp vào quy hoạch chung của thành phố. Đồng thời, huy động các nguồn lực để đáp ứng nguồn vốn lên tới 101,4 nghìn tỷ đồng đầu tư các công trình chống ngập.

Nhiều “rốn ngập” đã được xóa

Trong 20 năm qua, tình trạng ngập nước do mưa và triều cường diễn ra thường xuyên ở TPHCM, gây ra nhiều thiệt hại cho nền kinh tế và ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân. Nguyên nhân là do TPHCM có địa hình tương đối thấp (65% diện tích có độ cao tự nhiên < +1,5m), chịu ảnh hưởng trực tiếp thủy triều xâm nhập từ biển Đông làm hạn chế khả năng thoát nước.

Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa dọc theo các tuyến đường diễn ra nhanh chóng, hạ tầng thoát nước chưa kịp phát triển theo quy hoạch. Đối với các dự án phát triển đô thị, khu dân cư mới, khi thực hiện đầu tư đã san lấp làm mất diện tích thấm và khả năng trữ nước tự nhiên của kênh, rạch, nhưng lúc hoàn thành lại chưa thực hiện bù lại diện tích thấm, thoát nước tự nhiên. Ngoài ra, tình trạng xây dựng lấn chiếm, xả rác làm tắc nghẽn hệ thống thoát nước kênh, rạch còn diễn ra phổ biến, chưa được xử lý triệt để.

Để giải quyết tình trạng ngập nước, từ nhiều năm nay, TPHCM đã nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp với nguồn kinh phí hàng chục nghìn tỷ đồng. Theo UBND TPHCM, Chương trình giảm ngập nước của thành phố đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần cải thiện bộ mặt của đô thị.

Cụ thể, năm 2008, trên địa bàn thành phố tồn tại 126 tuyến đường bị ngập nước do mưa, năm 2015 còn 40 tuyến đường, đến cuối năm 2020 còn 18 tuyến. Ngoài ra, đến cuối năm 2020, TPHCM đã xóa ngập được 179 tuyến hẻm, đường nhánh, đồng thời đã hoàn thành xử lý 1.164 tuyến hẻm kết hợp chỉnh trang, kết nối đồng bộ hệ thống thoát nước các tuyến đường chính. Nhiều tuyến đường được coi là “rốn ngập” của thành phố như: khu vực vòng xoay Cây Gõ, Lê Hồng Phong, Hai Bà Trưng, Phan Đình Phùng, Phan Xích Long, Đinh Tiên Hoàng, bến xe Chợ Lớn, Nguyễn Văn Cừ, Bình Thới… đã không còn xuất hiện tình trạng ngập nước.

Đường Trần Xuân Soạn (quận 7) thường xuyên bị ngập nước do triều cường

Bên cạnh đó, năm 2008, trên địa bàn thành phố tồn tại 95 tuyến đường trục chính ngập do triều cường, năm 2015 giảm còn 9 tuyến đường trục chính, đến cuối năm 2020 còn 4 tuyến. 4 tuyến đường vẫn thường xuyên bị ngập do triều cường gồm: Nguyễn Văn Hưởng (thành phố Thủ Đức), Quốc lộ 50 (quận 8, huyện Bình Chánh), Lê Văn Lương và Trần Xuân Soạn (quận 7).

Theo UBND TPHCM, tình trạng ngập nước tại thành phố chưa được giải quyết dứt điểm do nhiều nguyên nhân. Trong đó, đến nay các quy hoạch về thoát nước, chống ngập, thủy lợi được phê duyệt đã không còn phù hợp nhưng chưa kịp thời bổ sung, điều chỉnh. Tiến độ triển khai các dự án còn chậm, đạt khoảng 46% theo Quy hoạch tổng thể thoát nước TPHCM đến năm 2020 và khoảng 10% theo Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TPHCM. Ngoài ra, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, nguồn vốn không đảm bảo (trong giai đoạn 2016 - 2020, các dự án thuộc chương trình giảm ngập nước mới được giao 26,4 nghìn tỷ đồng/96,5 nghìn tỷ đồng tổng nhu cầu vốn, đạt 29,5%).

101,4 nghìn tỷ đồng đầu tư các dự án chống ngập

Hiện TPHCM đang tập trung triển khai Kế hoạch chống ngập nước giai đoạn 2021 – 2025 với mục tiêu là giữ vững kết quả đạt được, không để tái ngập các vị trí đã được giải quyết trong phạm vi 550 km2 thuộc giai đoạn 2016 - 2020; đồng thời tập trung giải quyết ngập bền vững cho lưu vực trung tâm thành phố rộng 106,41km; cơ bản giải quyết thoát nước cho các lưu vực còn lại…

Để hoàn thành mục tiêu, thành phố tập trung hoàn thiện các đồ án quy hoạch thoát nước, chống ngập úng và cập nhật vào đồ án quy hoạch của thành phố. Rà soát, bổ sung chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư; cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình giảm ngập; ứng dụng công nghệ thông tin trong các công trình thoát nước.

Đặc biệt, TPHCM cũng dự trù nguồn kinh phí khoảng 101,4 nghìn tỷ đồng để đầu tư hàng loạt công trình chống ngập. Trong đó, sẽ hoàn thành các dự án xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước của 18 tuyến trục chính thường xuyên ngập còn lại; xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước và nạo vét kênh rạch với tổng chiều dài hệ thống thoát nước được bổ sung khoảng 96km và chiều dài kênh rạch được cải tạo khoảng 5km; xây dựng hệ thống các nhà máy xử lý nước thải…

Theo Sở Xây dựng TPHCM, từ nay đến hết năm 2021, thành phố dự kiến khởi công 11 dự án xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước với tổng vốn hơn 1.000 tỷ đồng, giúp chống ngập nhiều tuyến đường. Trong đó có 2 công trình dự kiến hoàn thành năm 2022, giúp tăng khả năng thoát nước trên tuyến và nhà dân xung quanh. 

Theo baotainguyenmoitruong.vn