Năng lượng tái tạo

Việt Nam mới khai thác một phần nhỏ năng lượng tái tạo

Thứ sáu, 8/9/2017 | 15:52 GMT+7
Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện Năng lượng, Bộ Công Thương cho rằng, tiềm năng về năng lượng tái tạo ở Việt Nam là rất lớn gồm: điện sinh khối, rác thải rắn, gió, năng lượng mặt trời, thủy triều... Tuy nhiên việc khai thác thực tế chỉ chiếm một phần nhỏ so với tiềm năng lý thuyết.

Ngày 8/9 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2017. Theo BTC, đây là sự kiện nhằm thúc đẩy hoạt động phát triển và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực năng lượng.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay, tiềm năng lý thuyết năng lượng tái tạo của Việt Nam tương đối lớn nhưng tiềm năng kỹ thuật khai thác còn hạn chế. Cụ thể, Việt Nam có tiềm năng lý thuyết năng lượng tái tạo trên 9,1 triệu MW nhưng tiềm năng khai thác chỉ 385 nghìn MW (chiếm khoảng 4,2%). Tính tới tháng 7/2017 có trên 250 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất đăng ký trên 30.000MW tập trung tại tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Bến Tre, Đắc Lắc, Tây Ninh, Khánh Hòa, Gia Lai, Phú Yên, Thanh Hóa.

Theo ông Tuấn thách thức cho ngành năng lượng tái tạo đó là vốn ban đầu rất lớn; chi phí sản xuất quy dẫn của năng lượng tái tạo còn cao hơn so với các dạng năng lượng truyền thống khác chưa tính đến các chi phí hệ thống khác; cơ chế giá khuyến khích mua điện chưa cao; khó khăn và chi phí cho việc đấu nối vào hệ thống điện quốc gia; thiếu thông tin và cơ sở dữ liệu không đáng tin cậy.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho rằng, để phát triển năng lượng bền vững trong tương lai, đáp ứng được nhu cầu năng lượng của nền kinh tế, Việt Nam cần làm chủ công nghệ để từng bước nội địa hóa công nghệ, thiết bị, tránh phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu. Chính vì vậy, cần có các chính sách phù hợp để thúc đẩy quá trình này.

Về phía Bộ KH&CN, Bộ cũng đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách và chương trình cụ thể nhằm định hướng, khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực năng lượng. Điển hình như Chiến lược phát triển KHCN đến năm 2020 với mục tiêu đẩy mạnh nghiên cứu làm chủ công nghệ chế tạo thiết bị nhà máy thủy điện, nhiệt điện công suất trung bình và lớn…

Trong Diễn đàn, các chuyên gia đã có những trao đổi về việc ứng dụng KHCN trong khai thác, chế biến và sử dụng nguồn tài nguyên dầu khí phục vụ cho sự phát triển bền vững; Công nghệ ổn định phát triển ngành than, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia…

T. Phương