Ngày hội Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc tái hiện, giới thiệu nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam, giúp người dân, du khách hiểu thêm nhiều giá trị, nét đẹp văn hóa, truyền thống của các dân tộc Việt Nam trong hoạt động đón Tết vui xuân; tăng cường kế thừa và thực hành các loại hình văn hóa nhằm bảo tồn, phát huy nghi lễ, tín ngưỡng, những loại hình nghệ thuật truyền thống, dân ca dân vũ đặc biệt của các dân tộc thiểu số trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Từ đó, góp phần nâng cao sự cố kết cộng đồng, hỗ trợ nhau cùng phát triển, giáo dục ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.
Ngày hội Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc có sự tham gia của khoảng 300 đồng bào từ 28 cộng đồng dân tộc của16 tỉnh, thành phố và 16 nhóm cộng đồng dân tộc khác… Các đại diện tham gia hoạt động trong ngày hội đều là người có uy tín trong cộng đồng, người dân tộc thiểu số có thành tích đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc tại địa phương.
Ngày hội năm nay có nhiều sự kiện, hoạt động nổi bật như: chương trình Bài ca mừng Đảng quang vinh, mừng xuân đất nước, Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ, chương trình “Du xuân” giới thiệu trò chơi dân gian, tri thức dân gian, ẩm thực truyền thống ngày Tết… Tái hiện 3 lễ hội: lễ Trỉa lúa của người B’ru Vân Kiều, Lễ hội Nàng Hai của người Tày, Lễ hội múa đầu năm - Rija Nagar của dân tộc Chăm; trình diễn trò Xuân Phả của người dân Thanh Hóa...
Khai mạc Ngày hội Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc năm 2024
Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, trải qua lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, 54 dân tộc anh em Việt Nam đã sáng tạo nên kho tàng văn hóa độc đáo, phong phú với các giá trị tốt đẹp, thể hiện sinh động quá trình sinh sống, lao động, dựng xây và bảo vệ đất nước, khắc họa cốt cách, vẻ đẹp con người Việt Nam. Đây là niềm tự hào, tài sản quý giá của quốc gia, là cội nguồn của sức mạnh nội sinh, hun đúc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là lực hấp dẫn bạn bè thế giới, sức mạnh mềm góp phần nâng tầm vị thế, uy tín đất nước trên trường quốc tế.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định, văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, là một trụ cột trong phát triển bền vững. Đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Vai trò của người dân trong sáng tạo, thực hành, trao truyền và thụ hưởng văn hóa ngày càng được coi trọng, sự tham gia của cộng đồng trong lĩnh vực văn hóa ngày càng đông đảo.
Để văn hóa là thực sự là nguồn lực nội sinh, là động lực mạnh mẽ cho đất nước phát triển bền vững, đi đến phồn vinh, hạnh phúc, Chủ tịch nước nêu rõ, chúng ta phải tiếp tục gìn giữ và bồi đắp các giá trị văn hóa tốt đẹp, đưa văn hóa thấm sâu vào đời sống xã hội, củng cố, tạo dựng nền tảng tinh thần lành mạnh và tiến bộ, góp phần xây dựng con người Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc.
Vì vậy, Chủ tịch nước đề nghị các cấp, các ngành, địa phương thực hiện tốt chính sách dân tộc, quan tâm giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa của địa phương mình gắn với phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội, đặc biệt quan tâm phát triển, chú trọng toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo. Phát huy vai trò của nhân dân, của các cộng đồng, tộc người, các già làng, trưởng bản, người cao tuổi, nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian là những chủ thể văn hóa, những người trực tiếp tham gia quá trình sáng tạo, trình diễn, gìn giữ, trao truyền những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Tạo điều kiện cho việc tổ chức hoạt động khai thác, phát huy các giá trị văn hóa ngay trong lòng cộng đồng - nơi văn hóa ra đời, được nuôi dưỡng và phát triển; tiếp tục có nhiều sáng kiến, cách làm sáng tạo để chung tay xây dựng không gian giao lưu văn hóa của các dân tộc Việt Nam, tôn trọng và bảo vệ sự biểu đạt đa dạng văn hóa của người dân, các dân tộc, vùng miền.