Tam Dương, Vĩnh Phúc: Nhức nhối nạn khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép

Thứ năm, 16/1/2020 | 10:02 GMT+7
Thời gian vừa qua, chúng tôi nhận được phản ánh của người dân thôn Vinh Phú, thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc về việc hàng ngày, hàng trăm xe chở đất trong đó có vài chục xe tải hạng nặng rầm rập nối đuôi nhau vào khu đất của một người dân địa phương để khai thác đất cùng cao lanh được ví như “vàng trắng”.

Theo ghi nhận của PV, đoàn xe chở đất gồm các xe ben nhỏ chở đất san lấp và khoảng 10 xe siêu trường siêu trọng liên tục hoạt động, gây ảnh hưởng đến môi trường và tuyến đường giao thông dẫn vào thôn Vinh Phú, thị trấn Hợp Hòa. Việc khai thác, vận chuyển đất san lấp và “vàng trắng” này đã gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Cụ thể là các xe đất khiến con đường dân sinh liên thôn, liên xã bị cày nát, mưa thì lầy bẩn, nắng thì bụi bặm. Tuyến đường liên xã chỉ cho phép chạy xe 5 tấn, trong khi đó toàn xe hạng nặng nối đuôi nhau chạy rầm rập mà không thấy cơ quan chức năng nào đến kiểm tra khiến cho người dân tại đây vô cùng bức xúc.

Cũng theo người dân ở đây cho biết, quả đồi là đất trồng rừng, nay đã bị “gặm” nham nhở để lấy khoáng sản. Hoạt động khai thác tại đây diễn ra ngang nhiên và công khai. Khoảng 2 máy xúc đang hoạt động hết công suất, lớp đất mặt và đất đồi được múc lên xe ben loại nhỏ để chở đi san lấp, còn lớp đất cao lanh quý giá được múc lên các xe hạng nặng để bán cho các nhà máy gạch lớn. Các xe cao lanh được bán khắp các vùng lân cận, trong đó có một nhà máy gạch tầm cỡ đóng tại Thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên.

Nạn khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép ở Tam Dương, Vĩnh Phúc

Theo tìm hiểu của PV, việc khai thác trái phép này diễn ra liên tục từ tháng 11/2019 đến nay. Khu vực đất đang khai thác trái phép là của hộ nhà Thêm - Oanh cùng trú thôn Vinh Phú, thị trấn Hợp Hòa. Điều lạ là các xe chở đất ngày nào cũng chạy qua trước cửa UBND thị trấn Hợp Hòa và UBND huyện Tam Dương cách khu vực khai thác không xa. Người dân địa phương đã nhiều lần phản ánh nhưng chính quyền lại có dấu hiệu làm ngơ trước tình trạng trên?

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Trì, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết đã yêu cầu UBND huyện Tam Dương kiểm tra và xử lý nghiêm vụ việc này. PV đã nhiều lần liên hệ với UBND huyện Tam Dương, UBND thị trấn Hợp Hòa tuy nhiên không nhận được phản hồi từ các cấp cơ sở.

Theo quy định của pháp luật, khoáng sản là khoáng vật, khoáng chất có ích được tích tụ tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại trong lòng đất, trên mặt đất, bao gồm cả khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ.

Như vậy, đất có thể coi là một loại khoáng sản. Khi khai thác tài nguyên đất phải đáp ứng các quy định về điều kiện kinh doanh ngành nghề khai thác khoáng sản, cũng như giấy phép khai thác khoáng sản trong những trường hợp bắt buộc phải xin giấy phép khai thác.

Theo điều 34, Nghị định 142/2013/NĐ-CP, phạt tiền đối với hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích đất thuộc quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân mà không sử dụng để xây dựng các công trình của hộ gia đình, cá nhân trong diện tích đó, cụ thể như sau:

Tại khoản 2, phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi không đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có khoáng sản khai thác đối với hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong phạm vi diện tích đất của dự án đầu tư xây dựng công trình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép đầu tư mà sản phẩm khai thác được sử dụng cho xây dựng công trình đó.

Cũng tại khoản 3 quy định, phạt tiền đối với hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong phạm vi diện tích đất của dự án đầu tư xây dựng công trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép đầu tư nhưng sản phẩm khai thác không sử dụng để xây dựng công trình đó, cụ thể như sau:

a) Từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với trường hợp khoáng sản sau khai thác đem sử dụng cho dự án, công trình khác;

b) Từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với trường hợp khoáng sản sau khai thác đem bán cho tổ chức, cá nhân khác.

Khoản 4, hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu toàn bộ tang vật là khoáng sản nhưng không sử dụng để xây dựng công trình của hộ gia đình, cá nhân hoặc xây dựng công trình của tổ chức đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều này.

Khoản 5, biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều này”.

PV