Đồng bằng sông Cửu Long có thể bị ngập do triều cường vào năm 2050

Thứ sáu, 1/11/2019 | 14:51 GMT+7
Tổ chức khoa học Climate Central (Mỹ) cảnh báo phần lớn Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có thể bị ngập hoàn toàn do tác động của triều cường vào năm 2050.

Theo nghiên cứu gần như toàn bộ ĐBSCL sẽ bị ngập do nước biển dâng vào năm 2050

Báo cáo của Climate Central nêu rõ, mực nước biển dâng có thể ảnh hưởng đến số lượng 150 triệu người trên thế giới, nhiều hơn gấp 3 lần so với dự đoán trước đây. Hiện tượng này có thể xóa sổ nhiều thành phố lớn ven biển toàn cầu.

Theo báo cáo, khu vực ĐBSCL là khu vực sinh sống của hơn 20 triệu người, tương đương gần 1/4 dân số, sẽ bị ngập bởi triều cường do ảnh hưởng của nước biển dâng, Ngoài ra, phần lớn diện tích của TP.HCM sẽ biến mất hoàn toàn.

Ở phía Bắc, các tỉnh ven và gần biển như Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Hà Tĩnh cũng có nguy cơ mất một phần lớn diện tích do nước biển dâng. Trong đó Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình có khả năng nằm ở dưới nước hoàn toàn.

Ngoài Việt Nam, nhiều quốc gia trong khu vực cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do nước biển tăng cao như Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Ai Cập và Iraq.

Tại Thái Lan, hơn 10% dân số hiện sống tại những vùng đất sẽ bị ngập vào năm 2050, nhất là khu vực thủ đô Bangkok.

Trên toàn thế giới, khoảng 300 triệu người đang sống tại những khu vực đối mặt nguy cơ ngập lụt vì nước biển dâng cao vào năm 2050.

Con số trên cao gấp 3 lần so với ước tính trước đó là 80 triệu người, đa số là những người sống ở các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia và Việt Nam.

M. Anh (t/h)