Sắc màu cuộc sống

Tấm gương sáng của Bác Hồ về tự học và làm báo

Thứ hai, 26/6/2017 | 14:29 GMT+7
Hồ Chủ tịch là một anh hùng dân tộc, một danh nhân văn hóa của thế giới, là lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX. Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ để lại cho đời sau tấm gương sáng về tư tưởng, đạo đức, trí tuệ, tài năng, nhân cách và lối sống mà còn để lại một tấm gương mẫu mực về tự học và không ngừng học. Bằng sự nỗ lực không ngừng tự học, hấp thu tinh hoa của nhân loại và dân tộc qua đọc sách báo, Người đã tìm ra con đường đi cho cách mạng Việt Nam và mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước: Kỷ nguyên độc lập, tự do và hạnh phúc.

Trong vô vàn những di sản Bác Hồ để lại cho đời sau, chúng ta không thể không kể đến khoảng 2.000 bài báo được viết bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Cũng như nhiều nhà hoạt động cách mạng khác nhau trên thế giới, Bác Hồ là người thấy rõ vai trò của báo chí và luôn sử dụng nó như một vũ khí sắc bén trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc yêu quý của mình. Và có thể nói, chính Hồ Chủ tịch đã có công lao đóng góp to lớn sáng lập ra nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Điểm lại cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chủ tịch, chúng ta thấy người luôn quan tâm đến công tác báo chí. Người từng làm chủ bút và là người sáng lập ra nhiều tờ báo. Năm 1920, đang hoạt động ở Pháp, Người đã viết bài cho các báo Nhân đạo (L’Humanité), Dân chúng (Populaire) và sáng lập ra tờ báo Người cùng khổ (Le Paria). Ngay trong số đầu tiên ra ngày 1/4/1922, Người đã thể hiện rõ quan điểm của mình: “Người cùng khổ là vũ khí chiến đấu, sứ mệnh của nó đã rõ ràng: Giải phóng con người”.

Theo nghiên cứu bước đầu, trong vòng 50 năm làm báo, từ 1919 đến 1969, Bác đã viết được gần 2.000 bài báo. Chỉ tính riêng các bút danh viết báo, Người đã dùng 54 bút danh khác nhau. Tổng số bài có bút danh là 1.524 bài. Tờ báo được Người gửi đăng nhiều bài nhất là tờ Nhân dân. Chỉ tính từ số báo ra ngày 11/3/1961 đến ngày 1/6/1969, Bác đã viết cho báo Nhân dân 1.205 bài báo. Có những năm Bác viết tới hơn 200 bài báo, đó là năm 1955, Bác viết 244 bài. Cho đến khi sức khỏe yếu, năm 1969, Bác vẫn gửi đăng tới 4 bài báo. Bài báo đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bài Yêu sách đăng trên báo Nhân đạo (L’Humanité) số ra ngày 18/6/1919 và bài cuối cùng là bài Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng, đăng trên báo Nhân dân số ra ngày 1/8/1969.

Cuộc đời làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh có bao điều cho đến nay vẫn không ngừng làm cho mọi người khỏi ngạc nhiên, thán phục, đặc biệt là những người làm báo. Tuy nhiên, cũng như bao công việc khác mà Bác thực hiện, Bác viết báo cũng bắt đầu từ việc tự học. Bác học ngoại ngữ, học viết báo, nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, nghiên cứu và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, đặc biệt là văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây. Người biết và sử dụng thông thạo trên 10 ngoại ngữ nhờ tự học chứ không qua một trường đào tạo chính quy nào. Người học ở sách báo, đồng nghiệp, bạn bè, nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực về tinh thần tự học, lấy tự học làm phương thức chủ yếu để nâng cao trình độ về mọi mặt. Tấm gương tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi tỏa sáng cho mỗi người trong chúng ta dù ở cương vị nào cũng cần học tập và noi theo.

Khi ở Pháp, Bác muốn tuyên truyền cho nước ta, nhưng vốn tiếng Pháp còn hạn chế. Người đặt ra câu hỏi “làm thế nào bây giờ?” và cũng tự đưa ra câu trả lời đầy quyết tâm: “Nhất định phải học viết cho kỳ được”. Từ đó, Người làm quen với chủ bút tờ báo Đời sống thợ thuyền và bày tỏ mong muốn viết bài nhưng ngại vì tiếng Pháp còn kém. Ông chủ bút bảo: “Điều đó không ngại, có thế nào anh viết thế ấy. Tôi sẽ chữa bài cho anh trước khi đưa in. Anh không cần viết dài; năm sáu dòng cũng được”. Được khích lệ, Người bắt đầu tập viết. Lúc đầu, mỗi khi viết xong bài, Người chép thành hai bản, một bản gửi tới tòa báo và một bản giữ lại cho mình. Và bài báo đầu tiên đã được đăng trên tờ Đời sống thợ thuyền vào năm 1917. Bác đã đối chiếu bài gốc của mình và bài được ban biên tập tờ báo sửa cho để tìm ra những điểm hạn chế của mình. Nhờ vậy, chất lượng bài viết của Bác được nâng lên. Tập đi tập lại nhiều lần như vậy, Bác viết được báo. Sau này, khi thấy bài viết của Người đã có nhiều tiến bộ, ông chủ bút lại bảo: “Bây giờ anh viết dài một tý, viết độ bảy tám dòng”. Cứ như vậy, dần dần Bác viết được cả một cột báo và những bài dài. Lúc ấy, người chủ bút lại bảo tập viết ngắn lại. Viết ngắn mà vẫn sâu sắc và đầy đủ thông tin cũng không phải dễ dàng. Nhưng nhờ không ngừng tự rèn luyện nên Bác đã thành công. Khi viết được báo rồi, Bác lại có ý định viết truyện ngắn và Bác viết truyện ngắn bằng tiếng Pháp. Bác tự rút kinh nghiệm trong việc học viết của mình: “Viết cũng như mọi việc khác, phải có chí, chớ giấu dốt, nhờ tự phê bình và phê bình mà tiến bộ, quyết tâm thì việc gì, khó mấy cũng làm được”.

Sau này, từ chính cuộc đời viết báo của mình, Bác đã phổ biến kinh nghiệm để có thể viết được một bài báo hay. Theo Bác “muốn viết bài báo khá” cần chú ý những điểm sau: “Gần gũi dân chúng chứ cứ ngồi trong phòng giấy thì không thể viết thiết thực. Ít nhất cũng phải biết được một tiếng nước ngoài để xem báo nước ngoài và học hỏi kinh nghiệm của người ta. Khi viết xong một bài báo phải tự mình xem lại ba bốn lần, sửa chữa lại cho cẩn thận. Tốt hơn là nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào chữ nào không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu”.

Đồng chí Lê Quảng Ba trong cuốn Bác Hồ ở Pắc Bó, đã kể lại một câu chuyện rất thú vị về những nguyên tắc trong công tác viết báo của Bác Hồ thời đó: Khi mới thành lập tờ báo Việt Nam độc lập, mặc dù công việc rất bận rộn, Bác vẫn viết bài cho báo và dành thì giờ  duyệt kỹ các bài báo trước khi cho in. Đồng chí Lê Quảng Ba nhớ lại: “Trong nhiều bài chúng tôi viết cho báo thường hay viết dài, sính dùng danh từ, lời lẽ cao xa, khó hiểu. Để sửa cái tật ấy, Bác đề ra một nguyên tắc là phải đưa cho đồng chí Thế An (một người mù chữ mới được Bác dạy chữ) đọc, hoặc đọc cho đồng chí ấy nghe. Nếu đồng chí Thế An đọc được hiểu được thì cho đăng, nếu đồng chí Thế An không hiểu thì không cho đăng bài báo đó, mà phải viết lại…”. Đó là một cách để các bài báo thời bấy giờ có khả năng thích hợp với trình độ quần chúng. Và nhờ có cách làm ấy, tờ báo đã được quần chúng rất yêu mến và ủng hộ.

Những bài báo của Người chính là những mẫu mực cho chúng ta học tập về văn phong và cách viết sinh động. Trong tác phẩm Hồ Chủ tịch, một con người, một dân tộc, một thời đại, đồng chí Phạm Văn Đồng đã có một nhận xét rất đúng đắn: “Hồ Chí Minh là nhà chiến lược, nhà lãnh đạo, nhà tổ chức, đồng thời là nhà văn hóa, nhà báo, nhà thơ lớn… Suốt đời Hồ Chí Minh là người cầm bút, chiến đấu trên mặt trận văn hóa, báo chí với một văn phong đa dạng, nhiều sắc thái mà điểm nổi bật là tính quần chúng, cách suy nghĩ và diễn đạt dân gian, dễ hiểu, đi sâu vang vọng trong lòng người, gợi mở những tư tưởng lớn lao, thúc đẩy những việc làm tốt đẹp, bằng những lời lẽ giản dị giàu hình tượng, nói lên được những điều lớn bằng chữ nhỏ”.

Là một người cầm bút, Hồ Chí Minh rất cẩn trọng và cầu thị. Khi phát hiện ra dù chỉ là một lỗi nhỏ trong bài viết, Người lập tức đính chính và xin lỗi người đọc. Đây cũng là một phẩm chất quý mà những người làm báo chúng ta hôm nay cần học tập và làm theo.

Ngày 9/3/1962, Bác Hồ có viết trên tờ báo Nhân dân một bài nhan đề: Làm thế nào cho lạc thêm vui. Trong bài báo Bác nói đến việc dân Nghệ An sản xuất được nhiều lạc, nhưng sử dụng chưa hợp lý. Khi viết bài ấy, Bác đã đặt một dấu phẩy không đúng chỗ làm cho con số đưa ra thiếu chính xác…

Ba ngày sau, đọc lại bài báo, phát hiện ra sự sơ suất của mình Bác đã thẳng thắn viết một bài xin lỗi người đọc. Sự chỉ đạo đúng đắn cũng như việc làm và thái độ cầu thị trong công việc làm báo của Bác Hồ là những bài học quan trọng cho mọi người, đặc biệt là những người làm báo trong giai đoạn “mở cửa” hội nhập của đất nước ngày nay.

Dù đã đi xa nhưng những tư tưởng và tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với những người làm báo sẽ vẫn còn sống mãi. Hy vọng rằng những người làm báo hôm nay và mai sau sẽ học tập và làm theo những điều Bác dặn để công tác báo chí luôn giữ một vị trí quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, nhân dân ta, xứng đáng với sự mong đợi của Bác Hồ muôn vàn kính yêu.

 

Hồng Phối