Sắc màu cuộc sống

TIẾNG CHUÔNG ĐỒNG NGŨ XÃ

Thứ năm, 1/6/2017 | 01:10 GMT+7
Thăng Long xưa có bốn nghề thủ công nổi tiếng “Lĩnh hoa Yên Thái, thợ đồng Ngũ Xã”. Nay muốn tìm lại bóng dáng những người thợ tài hoa xưa thật khó. Cảm hứng đi tìm cái đẹp đã mất, khiến bước chân tôi đứng lại gốc đa già bên đình Ngũ Xã. Ông Nguyễn Văn Lý, người coi đình đã thắp nến tâm hương soi cho tôi đi tìm lại nét tài hoa của người Hà Nội.

 

Ngũ Xã hôm nay không còn là cái làng nghề tinh tuý thơ mộng trên vùng bán đảo thuộc hồ Trúc Bạch thế kỷ 17 mà vua Lê dành riêng để chiêu tập thợ đúc đồng ở năm xã của Thuận Thành – Hà Bắc về đúc tiền. Những người thợ đồng cha truyền con nối bây giờ đang bán dần từng mảnh đất đúc ra tiền của ông cha cho người giàu thành thị ùa đến xây nhà ở, vượt lên cả ngọn đa cổ và mái đình Ngũ Xã. Nhưng cho dù đồng đô la có nặng hơn đồng tiền người thợ Ngũ Xã từng đúc ra, cho dù có những ngôi nhà chất ngất những bê tông cốt sắt ngất ngưởng phủ lấp mái đình, thì vẫn còn đây dấu vết của một làng đúc đồng nổi tiếng kinh kỳ qua tiếng chuông chùa ngân nga sớm sớm, chiều chiều, làm thức dậy hương sắc của một vùng đất có nghề truyền thống. Vẫn còn đây trong ngôi đình cổ hình bóng của Minh Không thiền sư, ông tổ của nghề và những sản phẩm đúc đồng có tính nghệ thuật cao của các nghệ nhân nhiều đời. Vẫn còn đây pho tượng đồng Adi đà khổng lồ, nặng 16 tấn, ngự trên toà sen, gương mặt rạng ngời như cảm thông được nỗi đau nhân loại. Đó là niềm tự hào của người dân Ngũ Xã với bạn bè thế giới. Du khách năm châu đến đây, nghiêng mình trước pho tượng Adi đà, nghe tiếng chuông lướt trên sóng hồ Trúc Bạch mà nao nức tìm về phương Đông. Những phường thợ đồng Ngũ Xã hôm nay đã tản ra mười phương kiếm sống, nhưng may sao, vẫn còn lác đác một vài người bám đất, bám nghề, có thể gọi tên: Ông Chồi, ông Oánh, bà Đan… Ông Đinh Văn Chồi, 74 tuổi đang cùng hai người con trai đúc những quả chuông đồng, đã dừng tay tiếp tôi:

-          Nhà tôi đúc chuông đã ba đời. Bố tôi đúc chuông, đúc tượng, đúc các đồ thờ cúng nay vẫn còn đôi hạc cao 3,5 m ở chùa Huyền Thiên (Hàng Khoai). Ngày mới giải phóng Thủ Đô, nghề đúc đồng không còn thịnh vượng, vài năm nay, chúng tôi nhúc nhắc có việc làm, cha con tôi đúc chuông cũng tạm có miếng ăn. Nhưng phận tôi nghèo khổ, vợ chết sớm, cảnh gà trống nuôi con, nhà ở chật chội nên không phát triển được nghề, có người đặt đúc quả chuông bốn, năm triệu mà không có chỗ làm.

Thấy ông trào nước mắt kể phận nghèo, tôi đánh gợi một thoáng vui:

-          Bác có thích tiếng chuông chùa không ?

-          Từ nhỏ tôi đã thích nghe những tiếng chuông từ những quả chuông do bố tôi đúc. Tiếng chuông có tiếng sáo vu vu ngân dài là tiếng chuông hay nhất. Muốn có tiếng chuông ngân vang như khúc nhạc, người thợ đúc đồng phải khéo léo từ việc pha chế đồng, nấu đồng và rót đồng vào khuôn sao cho có độ dày mỏng khác nhau và phải biết pha vào một lượng thiếc thích hợp.

Vừa nói ông vừa chỉ cho tôi xem từng nét hoa văn trên quả chuông ông vừa đúc. Nhìn gian nhà chứa đầy mười mét vuông, ngổn ngang những quả chuông to nhỏ khác nhau, tôi vui cùng ông khi nghĩ đến ngày mai, những quả chuông ấy sẽ vang lên ở những thôn làng sâu thẳm, xua tan nỗi nhọc nhằn trong khoảnh khắc. Như hiểu được ý tôi, ông Chòi gõ thử một quả chuông ngân đầy ắp gian nhà hẹp, nâng bổng giấc mơ con của người thợ đúc chuông nghèo.

Ở Ngũ Xã hôm nay, người ta còn nhắc đến bà Ngô Thị Đan, người đàn bà đã đúc những pho tượng đồng có hồn, có sắc. Là con gái người thợ đúc đồng, bà Đan từ nhỏ đã say mê những pho tượng Phật gương mặt sáng, cái miệng tươi, dáng từ bi, bao dung như người mẹ. Nhìn pho tượng A di đà do cha chú mình đúc nên, bà lâng lâng như thấy mình được ban phúc lành, thoát khỏi mọi phiền não. Bà kể:

-          Trước đây tôi đi làm cán bộ, nhưng càng làm càng chán, vì thường xuyên nhìn thấy cảnh những người bất tài tranh giành nhau chức tước. Vốn là người phóng khoáng, chịu không nổi đời sống bon chen, tôi xin nghỉ việc. Tôi yêu nghề đúc đồng của cha, nên thử làm chơi. Khi tôi làm xong bộ bát bửu, được các bác thợ giỏi khen, khiến tôi say mê và quyết hành nghề “mình con nhà nghề, lẽ nào lại chịu bó tay”. Tôi mầy mò, tự tìm đúc những pho tượng Phật, thổi vào từng đường nét niềm vui, nỗi buồn của chính mình, nên đã tạo được những pho tượng có hồn được khách hàng mến mộ. Vài năm nay, tượng của tôi bán được do người phương Tây thích tìm về phương Đông, nên tôi đã truyền nghề cho ba con trai tôi cùng làm. Chỉ mong Nhà nước sớm có chính sách khuyến khích sản xuất và xuất khẩu đồ Mỹ nghệ bằng đồng để làm sống lại nghề đúc đồng Ngũ Xã.

Nhờ đúc đồng, bà Đan đã xây được hai gian nhà không rộng nhưng đủ chỗ cho những pho tượng đứng, ngồi chờ ngày đi du ngoại phương Tây. Bà Đan chưa giàu nhưng bà tự hào vì sau khi chồng bà mất, một tay bà đã xây dựng một cơ ngơi, quy tụ cả ba người con trai về đây sống bằng nghề truyền thống của gia đình.

Nghề đúc đồng Ngũ Xã hôm nay mới chỉ sống lại mỏng manh như tơ nhện, nhưng tôi linh cảm nghề này còn mãi, khi tiếng chuông chùa vẫn ngân nga mỗi sớm, mỗi chiều trên đất nước này. Đó là một âm vang tươi sáng. Khi tiếng chuông ngân du dương ma quỷ phải chắp tay kính lễ và tâm hồn con người tĩnh lặng, thoát mọi âu lo. Với người Ngũ Xã, tiếng chuông ấy như tiếng của ông cha nhắc nhở rằng “phương Tây đang tìm về phương Đông, nghề đúc đồng Ngũ Xã sẽ không bao giờ mất”.

Nhà văn Mai Thục