(2).jpg)
Mịt mù khói toả ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.
Tôi như được nối mình vào nhịp sống muôn đời.
Nhịp chày lao động nhọc nhằn mà tươi vui của người dân làng Yên Thái vẫn như còn vang vọng lẫn trong hương trời, sắc nước Tây Hồ… Ở đây, từ một viên gạch lát đường, một nét hoa văn trên cổng làng, một bóng cây già, một dáng nhà cổ xưa còn sót lại… đến những câu chuyện dân dã, những câu ca dao cổ và tiếng chuông chùa buông ngân… đều gợi cho tôi lùi về quá khứ. Dường như tất cả muốn nói rằng nền tảng sự sống được đặt trên những viên gạch cổ xưa là vững chãi như Nguyễn Huy Lượng trong Tụng Tây Hồ Phú đã khẳng định.
Những dấu tích từ những làng nghề vùng Bưởi đã minh chứng cho một triết lý sống sự gắn bó giữa người và đất, để vươn tới một cuộc sống thái bình thịnh vượng ra năm châu bốn bể. Bởi thế giờ đây chúng tôi muốn được nói rằng hãy giữ lấy những làng cổ ven đô Hà Nội. Với cảm hứng đi tìm cái đẹp đã mất, chúng tôi thường rủ nhau về Bưởi, đi bộ trên con đường lát gạch, đặt bàn tay lên mình đôi rồng đã bị bỏ quên nơi đình Trích Sài như muốn vỗ cho rồng cất cánh bay lên. Trong cái tĩnh lặng tuyệt vời bên màu xanh cây, màu xanh trời nước Tây Hồ, tôi bỗng nghe một tiếng chuông ngân lao xao trên sóng nước Hồ Tây như nỗi niềm thương nhớ về những làng nghề đã lùi vào dĩ vãng. Đâu đó, tiếng ai hát những bài hát về vùng Bưởi xưa, mỗi làng mỗi vẻ và có một nghề riêng:
Xem kìa Yên Thái như kia
Giếng sâu chín trượng nước thì trong xanh
Đầu chợ Bưởi điếm cầm canh
Người đi kẻ lại như tranh hoạ đồ
Cổng chợ có miếu thờ vua
Đường cái chính xứ lên chùa Thiên Niên…
(Ca dao làng Bưởi)
Làng Yên Thái, Hổ Khẩu, Đông Xã, Thọ Thôn, Nghĩa Đô làm giấy sắc vua, giấy dó lụa để in tranh và sách quý, cung cấp giấy cho xứ Bắc, xứ Đông và vào cả Lục tỉnh Nam Kỳ.Những năm 1960 nghề giấy Bưởi vẫn còn. Đó là loại giấy làm bằng gỗ thơm, màu trắng có vân vảy cá, thả vào nước không nát. Giấy sắc vua trên nền nổi lờ mờ hình rồng vờn trong mây… Sang thế kỷ XIX giấy dó lụa Bưởi vẫn được dùng cho cung đình nhà Nguyễn…
Các làng dệt vùng Bưởi Trích Sài, Bái Ân, Yên Thái, Nghĩa Đô dệt lĩnh nổi tiếng Kinh Kỳ, Nguyễn Huy Lượng trong Tụng Tây Hồ Phú đã ghi lại cảnh dệt gấm và lĩnh ở hai phường Trích Sài và Bái Ân vừa rộn rã, vừa tình tứ:
“Liễu bờ kia bay tơ biếc phất phơ, thôi oanh ghẹo hai phường dệt gấm”.
Thế kỷ XVII – XVIII, phụ nữ Thăng Long mặc áo the, quần lĩnh. Lĩnh Bưởi được yêu thích hơn cả. Nay nghề dệt Bưởi mai một dần, chỉ còn một hợp tác xã những lại dệt khăn mặt, khăn tay. Phải chăng vì thế giới ngày nay không thích dùng gấm? Làng Võng Thị, Trích Sài có đồng hoa cổ từ thời Lý. Gần một nghìn năm nay, dân làng vẫn sống bằng nghề trồng rau và hoa. Nhưng nay đất trồng hoa đang bị xâm chiếm bởi tốc độ xây dựng nhà ở, khách sạn mini, cả những cái gọi là … Công ty Nghiên cứu Cây cảnh!Và “Làng kiến trúc phong cảnh”?...
Những làng nghề vùng Bưởi đã để lại dấu ấn tinh hoa của mình qua rất nhiều di tích lịch sử văn hoá. Làng nào cũng có đình, đền thờ thành hoàng làng, thờ các vị tổ nghề và những anh hùng cứu nước. Những đình, đền thờ này năm 1990 – 1991 dân làng Vọng Thị góp tiền sửa sang tu tạo lại, nay là nơi tụ hội của dân làng trong mối giao cảm tâm linh. Chùa Mật Dung, đền Vệ Quốc, đền Đồng Cổ đã được xếp hạng di tích. Nhưng còn một số đền chùa như: Dực Thánh, Chúc Thánh làng Hổ, Thiên Niên làng Sài, đình Yên Thái… vẫn chưa được chú ý đúng mức. Có thể nói, mỗi một di tích văn hoá còn lại trên đất Bưởi đều giữ trong nó những ký ức về một nền văn minh, một triết lý sống, như ý thức về sự hoà nhập vào vũ trụ và thiên nhiên của ông cha mà chúng ta cần tìm hiểu và tiếp nối cái hay, cái đẹp của nó… Cổng tam quan đình An Thái có bốn chữ ”Mỹ tục khả phong” như nhắc nhở muôn đời:”Ai đã đến đây thì đừng làm điều thất đức”. Và những di tích đó còn là kho báu về một nền kiến trúc, điêu khắc cổ xưa thoả mãn khách du lịch năm châu.
Hiện nay, nhiều người nhạy cảm làm ăn và lợi dụng văn hoá, du lịch đã đổ về Bưởi tìm cách xây nhà hoặc dành lấy những cảnh quan, di tích văn hoá với tham vọng thu hoạch lớn. Nhưng “đất lề quê thói” - mọi sự xâm nhập thô bạo, tách ra khỏi sinh hoạt cộng đồng làng xã thì không bao giờ đạt được ý muốn. Anh Vũ Văn Thông - Chủ tịch phường Bưởi nói:” Nguyện vọng của dân Kẻ Bưởi là muốn Nhà nước đầu tư xây dựng vùng Bưởi thành khu du lịch nghỉ ngơi của người Hà Nội và khách nước ngoài trên cơ sở phục hồi lại các làng cổ như lập lại một khu sản xuất giấy dò theo kiểu cổ để khách tận mắt tham quan, số giấy làm ra vẫn có thể dụng để vẽ tranh nghệ thuật, in truyện Kiều của cụ Nguyễn Du. Làng Võng Thị có nhiều ngôi nhà cổ, khu vườn cổ, cần được giữ nguyên dạng. Cần sửa sang, xây dựng lại những trục đường giao thông chính, cả đường làng, ngõ xóm, nhưng cấm xây dựng lớn để giữ đất đai và làng, ngõ xóm, nhưng cấm xây dựng lớn để giữ đất đai và không gian cổ xưa. Về các di tích văn hoá lịch sử cần tiếp tục khảo sát, nghiên cứu, đóng góp vào kho tàng văn hoá Thăng Long – Hà Nội…”
Kẻ Bưởi còn lưu trong ký ức hình ảnh vua Lý Công Uẩn chói ngời lòng yêu nước, thương dân. Năm 1011 vua Lý Thái Tổ vừa định đô ở Thăng Long, một hôm ngự thuyền đến bến Giang Tân(gần chợ Bưởi ngày nay) thấy có căng tấm lĩnh hình còn Rồng, vua lên bờ uý lạo nhân dân, được dân làng cho biết làng Dâu, xóm Bãi đã dệt tấm lĩnh để mừng vua. Vua khen dân làng có nghĩa bèn đổi lảng Dâu thành làng Nghĩa Đô và xóm Bãi thành Bái Ân. Vua dặn dân làng cố gắng dệt lĩnh đẹp và nhiều hơn để làm đẹp cho mọi người.
Đến đời vua Lý Thái Tông không dùng hàng gấm của nhà Tống nữa, vua quan triều đình, hoàng hâu, công chúa dùng lụa, gấm, lĩnh của Thăng Long. Năm 1156, nhà Lý còn tặng nhà Tống tám trăm năm mươi tấm lụa màu vàng có hoa Rồng cuốn…
Dấu ấn tinh hoa in đậm ở Kẻ Bưởi, vùng đất cố đô không chỉ là một giá trị tinh thần, mà nó chứa đựng một thông điệp về sự làm ăn sinh sống lưu truyền cho các đời sau.