Trình bày Tờ trình về dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hiện hành nhằm tiếp tục quán triệt, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, giải quyết được các vấn đề của thực tiễn trong nước đặt ra, phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế; tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ vướng mắc, rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, tăng cường các cơ chế khuyến khích, thúc đẩy hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ giúp Việt Nam kịp thời tận dụng, thu hút và huy động được các nguồn lực quốc tế để hỗ trợ, thúc đẩy quá trình đầu tư tiết kiệm năng lượng, chuyển đổi thị trường các sản phẩm tiết kiệm năng lượng.
Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy khẳng định, Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường tán thành với chính sách của Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (quy định tại khoản 2 điều 1); về chiến lược, quy hoạch, chương trình sử dụng năng lượng (khoản 3 điều 1); biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong cơ sở sản xuất, cung cấp năng lượng (khoản 6 điều 1).
Qua nghiên cứu, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị nghiêm túc, cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định của điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 tới đây.

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: quochoi.vn)
Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, đối chiếu, đánh giá từng nội dung trong 4 nhóm chính sách với các quy định của dự thảo Luật để bảo đảm đồng bộ; các nội dung sửa đổi đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế; đề nghị rà soát nội dung của dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả gửi kèm hồ sơ dự án Luật để bảo đảm thống nhất với chính sách trong dự thảo Luật.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có ý nghĩa hết sức đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang nỗ lực cam kết với quốc tế về phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của đất nước; đồng thời đánh giá cao ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã làm việc hết sức tích cực.
Để đảm bảo dự án Luật đáp ứng yêu cầu về tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, phù hợp với thực tiễn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục tập trung nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của dự án Luật với hệ thống pháp luật, tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn với các luật đã ban hành trước như Luật Điện lực (sửa đổi), Luật Bảo vệ môi trường, Luật Doanh nghiệp...
Trước mong muốn của người dân, doanh nghiệp là đơn giản hóa thủ tục hành chính và phân cấp, phân quyền, Chủ tịch Quốc hội cho rằng dự thảo Luật cần sửa đổi theo hướng tiếp tục cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương trong điều kiện đã sắp xếp bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu quả ở các Bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, dự thảo Luật cần làm rõ cơ chế giám sát, kiểm tra, tránh lạm quyền hoặc thiếu minh bạch, qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội về tính đồng bộ của dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả với hệ thống pháp luật, đặc biệt là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; làm rõ thêm thẩm quyền về đơn giản hóa thủ tục gắn với gắn với phân cấp, phân quyền, nhất là trong bối cảnh sắp xếp hệ thống tổ chức bộ máy hành chính mới.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, thay đổi hợp lý bố cục của dự thảo Luật; bảo đảm thực hiện nghiêm quyết định số 178-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
Tiếp tục rà soát thể chế đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể là Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần nghiên cứu hoàn thiện các quy định về chính sách của Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Xác định là một chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia và của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Xác định rõ nguồn lực tài chính, ngoài nguồn ngân sách nhà nước cần huy động nguồn vốn xã hội hóa để thực hiện các mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trách nhiệm của cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, áp dụng mô hình quản lý năng lượng theo quy định của cơ quan thẩm quyền thay vì theo hướng dẫn về quy định dán nhãn năng lượng đối với vật liệu xây dựng và các nội dung khác trong dự thảo Luật.
Về Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cơ sở thành lập Quỹ là Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị, đề nghị tiếp tục nghiên cứu bố cục vị trí của quỹ trong dự thảo Luật cũng như quy định rõ và cụ thể hơn đối với một số nội dung cơ bản liên quan đến việc thành lập, quản lý mục tiêu, nhiệm vụ, cơ chế tài chính và sử dụng Quỹ trong dự thảo Luật làm căn cứ để Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn trong thực hiện sau này.
Cơ quan soạn thảo cũng cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định về mô hình công ty dịch vụ năng lượng, có chính sách phát triển đối với loại hình này; đồng thời thể chế hóa thành những quy định cụ thể để khi có hiệu lực, việc thực thi áp dụng được khả thi và hiệu quả.
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo thẩm tra của Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường để khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật gửi Ủy ban ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chậm nhất là ngày 26/4/2025 để thẩm tra chính thức, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 9.