Kinh tế xanh

Tăng cường công tác quản lý các khu bảo tồn biển, ven biển

Thứ tư, 21/12/2022 | 14:43 GMT+7
Ngày 21/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị “Bàn giải pháp tăng cường công tác quản lý các khu bảo tồn biển, ven biển Việt Nam nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 36-NQ/TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045”.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, khu bảo tồn biển giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì, bảo tồn đa dạng sinh học biển, bảo tồn các hệ sinh thái biển; bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, nét đẹp tự nhiên của biển; bảo tồn các loài thủy sản có giá trị khoa học, kinh tế; bảo vệ các dải đất ven biển, ven đảo chống xói lở bờ biển; góp phần quan trọng trong ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro do thiên tai đối với vùng ven bờ, ven đảo.

Bên cạnh đó, khu bảo tồn biển còn có tác dụng làm hài hòa giữa phát triển kinh tế xã hội với bảo vệ môi trường biển, tạo không gian xanh cho ngành du lịch biển và một số ngành kinh tế khác phát triển, đóng góp chung vào mục tiêu phát triển bền vững ngành kinh tế biển.

Những năm qua, ngành thủy sản đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đứng đầu về xuất khẩu thủy sản trên thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành kinh tế biển nói chung và ngành thủy sản nói riêng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là tình trạng ô nhiễm môi trường biển, suy thoái các hệ sinh thái biển, suy giảm nguồn lợi thủy sản diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh. Những yếu tố này làm suy giảm nhanh đa dạng sinh học biển, nguồn lợi thủy sản và suy thoái các hệ sinh thái biển.

Tăng cường công tác quản lý các khu bảo tồn biển, ven biển Việt Nam 

Từ thực trạng trên, Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được ban hành. Nghị quyết là cơ sở quan trọng để các địa phương ven biển lãnh đạo, chỉ đạo phát triển bền vững kinh tế biển hiệu quả hơn, đồng bộ hơn. 

Nghị quyết nhằm quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo; tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia. Mở rộng diện tích, thành lập mới các khu vực bảo tồn biển trên cơ sở quy hoạch không gian biển quốc gia; chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái, đặc biệt là các rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển; bảo đảm tính toàn vẹn và mối quan hệ tự nhiên giữa các hệ sinh thái đất liền và biển.

Tại hội nghị, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, dù còn nhiều khó khăn nhưng Thanh Hoá hết sức quan tâm đến việc bảo tồn biển và dành nguồn lực thực hiện công tác điều tra, nghiên cứu và đánh giá nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản mới chỉ là những kết quả ban đầu do có sự "xung đột" về phát triển kinh tế và bảo tồn biển.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, việc bảo tồn biển trong giai đoạn hiện nay cần phải đi vào thực chất hơn. Thế kỷ XXI là thế kỷ của các quốc gia có biển. Việt Nam là quốc gia có đa dạng sinh học các hệ sinh thái biển, nhưng cần bảo tồn để nguồn tài nguyên đó phát triển lâu dài.

Để bảo tồn tốt, cần nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân; hoàn thiện, triển khai đồng quản lý vấn đề bảo tồn biển; nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về vấn đề bảo tồn; xã hội hóa hoạt động bảo tồn, tạo nguồn kinh phí cho hoạt động; nâng cao nhận thức về việc bảo tồn thông qua hoạt động truyền thông; nâng cao hợp tác quốc tế trong hoạt động bảo tồn...

Lam An