Khai thác nguồn lợi từ rừng gắn với mục tiêu Net Zero

Thứ tư, 25/9/2024 | 10:45 GMT+7
Ngày 24/9, hội thảo Phát huy giá trị nguồn lợi từ rừng gắn với mục tiêu Net Zero và phát triển bền vững diễn ra tại Hà Nội.

Theo thông tin tại hội thảo, mất rừng, suy thoái rừng tự nhiên và quản lý rừng sản xuất chưa hiệu quả là nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy giảm tài nguyên rừng, làm gia tăng việc phát thải khí nhà kính. Do đó, bảo vệ rừng là nhiệm vụ then chốt để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050. Mục tiêu của Việt Nam là duy trì tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc ổn định từ 42 - 43%, mỗi năm trồng thêm khoảng 238.000ha rừng và tìm cách phục hồi rừng tự nhiên để chống biến đổi khí hậu.

Quang cảnh hội thảo

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch thường trực Hội Khoa học kinh tế Việt Nam Chử Văn Lâm cho biết, phát triển rừng đa giá trị đang là xu hướng được Việt Nam đẩy mạnh. Các giá trị trực tiếp từ gỗ, lâm sản ngoài gỗ, thủy điện chỉ chiếm 15% giá trị của hệ sinh thái rừng. Trong khi đó, phát triển thị trường carbon rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hiện nay. Điều này được thể hiện rõ trong Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Chính phủ phê duyệt.

Ông Hà Công Tuấn, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam thông tin, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực đổi mới để tiếp tục tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, hướng đến mục tiêu phát triển rừng nói riêng và phát triển nông nghiệp nói chung theo hướng đa giá trị. 

Theo ông Hà Công Tuấn, tiềm năng tăng chất lượng rừng của Việt Nam là rất lớn. Nhiệm vụ của Việt Nam hiện nay là tăng chất lượng rừng để tăng khả năng lưu trữ carbon. Khả năng hấp thụ và lưu trữ carbon của một khu rừng phụ thuộc vào các yếu tố như độ giàu sinh khối, loại cây trồng, độ tuổi của rừng và tình trạng bảo tồn đa dạng sinh học. Để khai thác hiệu quả nguồn lợi carbon từ tài nguyên rừng, Chính phủ cần đánh giá các yếu tố tác động đến giá tín chỉ carbon như: loại hình dự án hình thành nên tín chỉ carbon; xác định lượng phát thải khí nhà kính tăng theo ngày dựa vào từng tiêu chí và địa điểm thanh toán. Điển hình như, ở một số điểm bán tín chỉ carbon tại châu Âu, giá tín chỉ carbon sẽ bao gồm chi phí bảo tồn loài sống tại khu vực đấy. Điều này tạo ra một mô hình bền vững cho việc giảm phát thải khí nhà kính song hành cùng bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường.

Chính phủ cũng nên cân nhắc việc thiết lập sàn giao dịch carbon bắt buộc để thực hiện cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính và đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Sàn giao dịch sẽ khuyến khích doanh nghiệp tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, tạo nguồn thu nhập từ tín chỉ carbon và đảm bảo tính minh bạch trong việc đo lường phát thải. Đồng thời tạo cơ hội cho Việt Nam tham gia vào thị trường carbon quốc tế, học hỏi kinh nghiệm từ các nước phát triển, từ đó nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Về phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, bà Đặng Thị Thủy, Trưởng phòng Pháp luật quốc tế về tài chính, Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng đầy đủ các quy định cần thiết để triển khai sớm nhất thị trường.

Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chịu trách nhiệm quản lý và vận hành thị trường carbon gồm: phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính và xác nhận tín chỉ carbon; xây dựng và thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon; hướng dẫn đấu giá, chuyển giao, vay mượn và nộp trả hạn ngạch phát thải khí nhà kính; vận hành thị trường carbon trong nước và tham gia thị trường carbon quốc tế; thí điểm, triển khai sàn giao dịch tín chỉ carbon để quản lý, theo dõi và giám sát thị trường này.

Về lộ trình phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, bà Đặng Thị Thủy thông tin, đến cuối năm 2024, các Bộ sẽ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và hạ tầng kỹ thuật; nâng cao năng lực quản lý của cơ quan nhà nước và nhận thức của doanh nghiệp. Từ năm 2025 – 2027 sẽ thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon, đánh giá kết quả thí điểm; tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và hạ tầng kỹ thuật. Từ năm 2028, sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức hoạt động; các Bộ, ban ngành nghiên cứu khả năng kết nối với thị trường carbon khu vực và thị trường carbon thế giới.

Khả Như (T/H)