Tăng cường thể chế và nâng cao năng lực để phát triển đô thị bền vững

Thứ sáu, 1/12/2023 | 10:52 GMT+7
Khi các thành phố được quy hoạch và quản lý tốt, chúng có thể là động lực chính cho phát triển kinh tế, hòa nhập xã hội, hỗ trợ bảo vệ hệ sinh thái, giảm phát thải khí nhà kính cũng như sức khỏe và hạnh phúc.

Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị - Bộ Xây dựng vừa phối hợp cùng Chương trình định cư con người Liên Hợp Quốc (UN-Habitat), Sở Xây dựng thành phố Cần Thơ, Sở Xây dựng tỉnh: Tiền Giang, Bình Phước, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau tổ chức khóa đào tạo bồi dưỡng thí điểm về phát triển đô thị bền vững trong khuôn khổ dự án “Tăng cường thể chế và nâng cao năng lực cho phát triển đô thị ở Việt Nam” (gọi tắt là ISCB) do Cục kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ tại thành phố Cần Thơ.

Dự án “Tăng cường thể chế và nâng cao năng lực cho phát triển đô thị ở Việt Nam” nhằm mục tiêu nâng cao năng lực thể chế và kỹ thuật của chính quyền cấp quốc gia và cấp địa phương để thúc đẩy phát triển đô thị bền vững. Dự án cung cấp các chương trình nâng cao năng lực và hỗ trợ kỹ thuật phù hợp, thiết thực cho các thành phố; hỗ trợ thay đổi tư duy của nhà lãnh đạo và cán bộ triển khai về việc lập kế hoạch đầu tư chiến lược, ra quyết định. Dự án còn góp phần tăng cường chính sách và khuôn khổ pháp lý cho quy hoạch, quản lý đô thị tích hợp với sự tham gia của người dân. Đồng thời, thí điểm các dự án có hướng tiếp cận sáng tạo, thúc đẩy quy hoạch chiến lược liên ngành...

Khóa đào tạo bồi dưỡng thí điểm về phát triển đô thị bền vững tại thành phố Cần Thơ

Phát biểu khai giảng khóa đào tạo, ông Frank D’hondt, cố vấn trưởng dự án ISCB, UN-Habitat chia sẻ: Các đô thị của Việt Nam cũng như nhiều thành phố trên thế giới đang phải đối mặt với tốc độ tăng trưởng và mở rộng nhanh chóng cũng như những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, lũ lụt và nắng nóng. Đô thị hóa không được kiểm soát có thể dẫn đến ô nhiễm nước, không khí, mất đa dạng sinh học và gia tăng bất bình đẳng. 

Khi các thành phố được quy hoạch và quản lý tốt, chúng có thể là động lực chính cho phát triển kinh tế, hòa nhập xã hội, hỗ trợ bảo vệ hệ sinh thái, giảm phát thải khí nhà kính cũng như sức khỏe và hạnh phúc. Mục tiêu tổng thể của dự án ISCB là tăng cường năng lực của các tổ chức quốc gia và địa phương trong việc phát triển, thực hiện chính sách đô thị, cùng với các giải pháp đổi mới và có sự tham gia để quy hoạch, quản lý đô thị hiệu quả hơn cho các đô thị Việt Nam phát triển bền vững. UN-Habitat coi khóa đào tạo này là cơ hội tuyệt vời để chứng minh rằng thông qua quy hoạch tổng hợp, hợp tác và có sự tham gia, các đô thị có thể địa phương hóa mục tiêu phát triển bền vững.

Chương trình gồm các nội dung chính: tổng quan Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), chương trình nghị sự đô thị mới (NUA) hướng tới phát triển đô thị bền vững; các thông điệp chính về các module; quy hoạch tích hợp trong phát triển đô thị bền vững; quy trình quy hoạch tích hợp có sự tham gia; phát triển kinh tế địa phương gắn với định hướng phát triển đô thị bền vững; phát triển nhà ở phù hợp với khả năng chi trả; kiến tạo không gian đô thị văn minh, hiện đại, giàu bản sắc; đồng thuận giữa các bên liên quan trong phát triển đô thị bền vững; trao đổi thảo luận.

Nhã Quyên (t/h)