Nông nghiệp sạch

Tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp thông minh tại Thủ đô

Thứ hai, 8/11/2021 | 14:47 GMT+7
Nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao đã đem lại những kết quả đáng kể cho ngành nông nghiệp Hà Nội. Trước sự phát triển không ngừng của thời đại công nghệ số, đầu tư phát triển nông nghiệp kết hợp công nghệ dự báo có tiềm năng lớn trong tương lai.

Tại hội thảo “Định hướng và giải pháp phát triển nông nghiệp thông minh” diễn ra mới đây, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, toàn thành phố đã xây dựng được 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của Hà Nội. Công nghệ, thiết bị thông minh thường được ứng dụng chủ yếu trong khâu quản lý, điều khiển môi trường nuôi trồng, chăm sóc cho vật nuôi, cây trồng.

Cụ thể, nhiều hộ nông dân Hà Nội đã xây dựng nhà lưới tự động hóa trong điều khiển tưới, bón phân, điều chỉnh độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng cùng với hệ thống giám sát có thể phân tích thời tiết, dự báo sâu bệnh, dịch hại. Các ứng dụng công nghệ kết nối internet vạn vật (IoT), canh tác không dùng đất, sử dụng máy bay điều khiển từ xa để phun thuốc, bón phân giúp đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch kịp thời cũng như đảm bảo cho sức khỏe người nông dân…

Trong lĩnh vực chăn nuôi, ở Hà Nội cũng đã xuất hiện mô hình chuồng kín có hệ thống làm mát, giúp ổn định nhiệt độ, độ ẩm, lọc không khí, phòng chống dịch xâm nhập; hệ thống cho ăn tự động, uống nước tự động; thụ tinh nhân tạo cho gia súc, gia cầm, phân ly giới tính theo ý muốn; xử lý môi trường bằng công nghệ cao, thân thiện môi trường như biogas, đệm lót sinh học, chế phẩm sinh học...

Lĩnh vực thủy sản đã ứng dụng công nghệ “sông trong ao”, sử dụng chế phẩm sinh học, nhiều khâu điều khiển từ xa các máy tạo oxy, cho ăn tự động, công nghệ biofloc…

Nông nghiệp thông minh ở huyện Ứng Hòa

Về mặt không gian, các mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ và thiết bị thông minh ở Hà Nội có mặt rải rác ở hầu khắp các quận, huyện còn phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp như Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng, Ứng Hòa... Nhưng số lượng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế của Thủ đô.

Trong bối cảnh, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, chuỗi sản xuất, vận chuyển, cung ứng nông sản nhiều nơi bị gián đoạn, trong đó có Hà Nội. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp công nghệ cao ở Thủ đô vẫn vượt khó và đạt được mức tăng trưởng đáng khích lệ.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Hà Nội là nơi hội tụ đầy đủ điều kiện kinh tế - xã hội để phát triển nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao. Theo TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, cần nâng cao công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao để chủ động trong quá trình tiếp cận nông nghiệp thông minh. Bên cạnh đào tạo theo kiểu truyền thống trên ruộng đồng nên tập trung đào tạo kỹ năng thay đổi mô hình kinh doanh số cho các hợp tác xã, doanh nghiệp, chủ trang trại cũng như các hộ gia đình.

Nông nghiệp thông minh còn đang thiếu những nghiên cứu về các mô hình quản trị số; cơ sở dữ liệu số phục vụ nông nghiệp còn chưa được tập trung, chưa được thiết kế và số hóa đồng bộ; khả năng cung cấp ứng dụng công nghệ cho nông nghiệp thông minh ở trong nước còn hạn chế, nếu có cũng chỉ là những thử nghiệm trên quy mô nhỏ với thời gian ngắn. Do đó, nên cân nhắc kỹ vấn đề này.

Phát triển nông nghiệp đô thị dựa trên nghiên cứu về thị trường thành phố và các nhu cầu của cư dân. Quy hoạch đất nông nghiệp ổn định và lâu dài, tạo không gian cho nông nghiệp trong đô thị cụ thể tới từng tiểu vùng ở khu vực nội đô, khu vực mới phát triển, khu vực ven đô, khu vực đô thị vệ tinh.

Kết hợp giữa nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh với nông nghiệp sinh thái, du lịch sinh thái để đa dạng hóa nguồn thu, tạo cơ hội việc làm cho người nông dân thay vì sản xuất thuần nông kiểu truyền thống.

Mỹ Dung (T/H)