Nông nghiệp sạch

Nghiên cứu mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ lọc tuần hoàn

Thứ ba, 26/10/2021 | 18:00 GMT+7
Mới đây, Viện Tài nguyên và Môi trường biển, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã nghiệm thu đề tài "Nuôi tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ lọc tuần hoàn (RAS)".

Theo thông tin từ nhóm nghiên cứu, công nghệ RAS có nhiều ưu điểm so với phương pháp nuôi tôm truyền thống, khắc phục được những hạn chế về môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế, ít sự cố trong quá trình nuôi, hạn chế sử dụng nhiều hóa chất và các loại kháng sinh, cho năng suất ổn định.

TS. Đỗ Mạnh Hào, chủ nhiệm đề tài cho biết: Với công nghệ này, chất lượng nước được chủ động duy trì ổn định, những rủi ro về dịch bệnh giảm do nguồn nước được kiểm soát. Mặt khác, cũng giúp tiết kiệm không gian, nguồn nước.

Nuôi tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ lọc tuần hoàn giúp tiết kiệm nước và không gian nuôi

Ông Đỗ Mạnh Hào thông tin thêm, với mỗi vụ sản xuất, người dân chỉ cần lấy nước một lần, trong quá trình nuôi không phải thay nước vì đã có hệ thống xử lý nước, nước được tái sử dụng và tuần hoàn. Đặc biệt, tỷ lệ sống của tôm nuôi với công nghệ RAS có thể đạt tới 85%, nuôi được 4 vụ trong 1 năm; chi phí sản xuất chỉ từ 85 – 90.000/kg với quy mô nuôi khoảng 1.000 m3.

Chủ nhiệm đề tài nhấn mạnh, công nghệ RAS trong nuôi tôm hiện đang là một xu thế mới trên thế giới nhằm đưa nông nghiệp phát triển hiện đại, ổn định.

Trước đây, ở Việt Nam đã có một số nghiên cứu về công nghệ trên nhưng phạm vi còn nhỏ nên kết quả nghiên cứu trong thực tiễn sản xuất còn rất ít, chủ yếu mới được sử dụng trong sản xuất tôm giống.

Do đó, đề tài “Nuôi tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ lọc tuần hoàn” sau khi được Viện Tài nguyên và Môi trường biển hoàn thiện và nghiệm thu sẽ là tín hiệu đáng mừng cho việc ứng dụng vào sản xuất đại trà nuôi tôm sạch, bền vững. Được biết, Viện Tài nguyên và Môi trường biển đã đề xuất thành phố Hải Phòng làm nơi thí điểm mô hình thử nghiệm, khi có hiệu quả kinh tế và kỹ thuật tối ưu, Viện sẽ nhân rộng để có thể tiếp cận được đến người dân, giúp người nuôi tôm sản xuất ổn định, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Thực trạng về nuôi tôm ở Hải Phòng những năm gần đây rủi ro rất cao, hiệu quả kinh tế thấp, hàng năm người nuôi vẫn đứng trước nguy cơ mất mùa lớn do môi trường và xâm nhập mặn. Nếu công nghệ nuôi tuần hoàn sớm đưa vào sản xuất sẽ giúp người dân khắc chế được vấn này, TS. Đỗ Mạnh Hào khẳng định.

Minh Khang (T/H)