Tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án nguồn và lưới điện trọng điểm

Thứ ba, 27/12/2022 | 10:25 GMT+7
Trong năm 2023, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành và đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án nguồn và lưới điện trọng điểm; huy động tối đa các nguồn lực bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt…

Theo thông tin tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 ngành công thương, năm 2023, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tập trung thực hiện những nhiệm vụ về xây dựng và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật như: sửa đổi Luật Điện lực; xây dựng Nghị định hướng dẫn Điều 6, Luật số 03/2022/QH15 về xã hội hóa lưới điện truyền tải; hoàn thành hồ sơ trình Chính phủ về đề nghị xây dựng Nghị định lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện.

Bộ cũng tiếp tục trình Thủ tướng Chính phủ các đề án như: hoàn thiện Quy hoạch điện VIII; chiến lược phát triển ngành điện lực Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; báo cáo Chính phủ để ban hành Nghị quyết Chương trình đầu tư công cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2021 – 2025. Nghiên cứu, tham mưu, xây dựng và trình phê duyệt các cơ chế, chính sách phát triển điện lực và năng lượng tái tạo phù hợp với mục tiêu, quy hoạch, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành…

Năm 2023, tổng công suất nguồn điện (không bao gồm điện mặt trời mái nhà) dự kiến đạt 83.156MW, tăng 4,4% so với ước thực hiện năm 2022

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với các Bộ, ngành và đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án nguồn và lưới điện trọng điểm; huy động tối đa các nguồn lực bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt; phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về đề án chuyển đổi Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia thành Công ty TNHH MTV...

Một số mục tiêu cân đối điện của ngành công thương năm 2023 là: tổng công suất nguồn điện (không bao gồm điện mặt trời mái nhà): dự kiến đạt 83.156MW, tăng 4,4% so với ước thực hiện năm 2022. Tỷ lệ dự phòng công suất nguồn (không bao gồm năng lượng tái tạo): dự kiến đạt 18,8% - 20,1%.

Điện thương phẩm: dự kiến đạt khoảng 259,5 - 263,6 tỷ kWh, tăng 7,4 - 9,1% so với ước thực hiện năm 2022. Điện sản xuất và nhập khẩu: dự kiến đạt khoảng 289,9 - 294,3 tỷ kWh, tăng 8 - 9,7% so với ước thực hiện năm 2022.

Tiến Đạt