Trong nước

Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 diễn ra yên bình và an toàn

Thứ sáu, 4/2/2022 | 16:40 GMT+7
Theo báo cáo tổng hợp của Văn phòng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình Tết Nguyên đán Nhâm Dần và các nhiệm vụ trọng tâm sau Tết, các Bộ, cơ quan, địa phương đều cho thấy công tác tổ chức, triển khai đón Tết Nguyên đán an toàn, tri ân, nghĩa tình, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm với tinh thần “không để ai không có tết”.

Báo cáo nêu rõ, tổng kinh phí chăm lo đời sống các đối tượng chính sách, người lao động dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần là 8.324 tỷ đồng cho 57,81 triệu lượt đối tượng. Các tỉnh, thành phố đã trợ giúp ước tính khoảng 3.745 tỷ đồng hỗ trợ chăm lo tết cho người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và người lao động.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 quyết định về hỗ trợ gần 19.000 tấn gạo cứu đói cho 1.245.830 nhân khẩu dịp Tết và giáp hạt đầu năm 2022 cho 18 tỉnh; đã quyết định xuất cấp tổng số hơn 3.738 tấn gạo cứu đói cho 43.898 hộ với 210.954 nhân khẩu cho 3 tỉnh bị ảnh hưởng bởi mưa, lũ cuối tháng 11 đầu tháng 12/2021.

Tiền lương bình quân của người lao động năm 2021 ước đạt 7,84 triệu đồng, tăng 4% so với năm 2020 (7,54 triệu đồng/tháng). Tiền thưởng Tết Dương lịch 2022 bình quân là 1,36 triệu đồng người, bằng 58% so với năm 2021. Tiền thưởng Tết Nguyên đán Nhâm Dần bình quân 6,17 triệu đồng/người, bằng 97% so với năm 2021.

Đảm bảo an toàn, đủ đầy cho mọi người dân trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần

Theo báo cáo, trong dịp Tết, giao thông vận tải đảm bảo thông suốt. Vận tải hàng không tiếp tục phục hồi, tăng 77% về lượng khách và 15,8% lượng hàng hóa vận chuyển. Tình hình thị trường ổn định, các hoạt động sản xuất, dự trữ nguồn hàng phục vụ Tết được triển khai chủ động nên lượng hàng hóa dồi dào, chủng loại đa dạng, hình thức mẫu mã đẹp, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết của người dân.

Về tình hình dịch bệnh, theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 5 ngày nghỉ Tết (từ 29/01 - 02/02/2022), trung bình mỗi ngày ghi nhận khoảng 12.200 ca mắc và 100 ca tử vong. So với tuần trước, số ca tử vong trong tuần giảm 22%, số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 15,1% và số ca nặng, nguy kịch giảm 22,4%.

Trong thời gian này, cả nước đã triển khai Chiến dịch tiêm chủng mùa xuân với hơn 782.000 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm tại 30 tỉnh, thành phố; trong đó có 92.689 liều mũi 2, 339.512 liều bổ sung và 311.221 liều mũi 3 (liều nhắc lại).

Có thể nhận định, trong dịp Tết, các ca nhiễm, chuyển bệnh nặng và tử vong có xu hướng giảm có thể là dấu hiệu tích cực đối với công tác kiểm soát, phòng, chống dịch trong thời gian tới, tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế, xã hội tiếp tục có bước phục hồi mạnh mẽ. Công tác khám chữa bệnh được tổ chức thực hiện nghiêm túc.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá, tính đến thời điểm này, nhiều chỉ số cho thấy Tết Nhâm Dần là một cái tết yên bình về mặt y tế. Cụ thể, so với cùng kỳ Tết Tân Sửu 2021, số ca khám cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông đã giảm 172,8%, số ca tử vong do tai nạn giao thông giảm 34,3%; số ca cấp cứu tai nạn đánh nhau giảm 211,4%, số ca tai nạn do đánh nhau phải nhập viện giảm 98,3%. Theo thông tin từ hệ thống trực an toàn thực phẩm, đến ngày 02/02/2022 chưa ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra.

Mặc dù vậy, trong bối cảnh nước ta đang dần mở cửa lại các hoạt động phục hồi, phát triển kinh tế xã hội; nhất là trong dịp Tết Nguyên đán có sự gia tăng giao lưu đi lại của người dân tại tất cả các địa phương, việc tổ chức lễ hội văn hóa, sinh hoạt cộng đồng, việc thăm hỏi người thân, việc di chuyển của người dân trở lại làm việc sau Tết… có thể dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ gia tăng số ca nhiễm bệnh, lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, nhất là với biến thể Omicron. Vì vậy, mọi người dân cần tiếp tục nâng cao trách nhiệm, tăng cường tuân thủ các quy định về phòng chống dịch và phòng chống tai nạn giao thông, cháy nổ để có một dịp nghỉ lễ an toàn, vui vẻ, hạnh phúc.

Gia Linh