Tham gia hiệu quả vào thủ tục ý kiến tư vấn của Tòa án Công lý quốc tế về biến đổi khí hậu

Chủ nhật, 17/3/2024 | 17:25 GMT+7
Tại Quảng Ninh, Bộ Ngoại giao Việt Nam vừa phối hợp cùng Chính phủ Cộng hòa Vanuatu khai mạc hội thảo Các vấn đề pháp lý, kỹ thuật về ý kiến tư vấn của Tòa án Công lý quốc tế về biến đổi khí hậu.

Hội thảo được tổ chức nhằm giới thiệu tổng quan về sự ra đời và ý nghĩa của thủ tục ý kiến tư vấn của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) về biến đổi khí hậu trên cơ sở Nghị quyết 77/276 ngày 29/3/2023 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Tại hội thảo, các đại biểu cùng thảo luận về những khía cạnh pháp lý chủ chốt trong thủ tục ý kiến tư vấn, sự đóng góp mà các nước châu Á - Thái Bình Dương có thể mang lại, cũng như hỗ trợ kỹ thuật cho các nước để tham gia hiệu quả vào thủ tục ý kiến tư vấn mà ICJ đang xử lý.

Đại biểu tham gia hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết, với đặc điểm địa lý đặc thù, vùng bờ biển rộng lớn, Việt Nam đặc biệt dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu. Do vậy, Việt Nam rất coi trọng sự hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế trong nỗ lực chung nhằm ứng phó thách thức về môi trường và biến đổi khí hậu.

Nghị quyết 77/276 của Đại hội đồng thừa nhận biến đổi khí hậu gây ra tác động khác nhau với mỗi quốc gia, vì thế gánh nặng cũng như trách nhiệm ứng phó phải được san sẻ công bằng, bình đẳng. Việc tham gia thủ tục ý kiến tư vấn của ICJ là cơ hội to lớn cho các nước đang phát triển tham gia nỗ lực toàn cầu ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy quyền của các nước dễ bị tổn thương, định hình sự phát triển của luật môi trường quốc tế.

Theo đó, sự kiện lần này góp phần tạo ra diễn đàn kết nối, thúc đẩy hợp tác giữa giới chuyên gia pháp lý quốc tế trong khu vực, củng cố tiếng nói của các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương trong ứng xử với các vấn đề về mang tính toàn cầu.

Đại diện các nước tham dự hội thảo đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam và Vanuatu về tổ chức sự kiện, tạo cơ hội để chuyên gia pháp lý các quốc gia trong khu vực và quốc tế thảo luận một cách thẳng thắn, thực chất, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình hoàn thiện các bản đệ trình dự kiến gửi tới ICJ.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc cho biết, khoảng 80 quốc gia đã nộp bản đệ trình để chính thức tham gia thủ tục ý kiến tư vấn của ICJ tới thời điểm hiện tại. Con số này biến thủ tục ý kiến tư vấn về biến đổi khí hậu trở thành vụ việc có quy mô lớn nhất mà ICJ từng xử lý, đồng thời cho thấy vai trò quan trọng mà ý kiến của ICJ mang lại trong vấn đề biến đổi khí hậu.

Việc tích cực thúc đẩy và tham gia thủ tục ý kiến tư vấn tại ICJ thể hiện rõ vai trò của Việt Nam với tư cách thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, thu hút sự ủng hộ của các nước đang phát triển. Tiến trình tại ICJ cũng cho thấy sự coi trọng của cộng đồng quốc tế đối với vai trò, đóng góp của Việt Nam trong vấn đề biến đổi khí hậu, bao gồm các cam kết mạnh mẽ thời gian qua tại các diễn đàn quốc tế.

Huyền Dung (T/H)