Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học

Thứ hai, 17/5/2021 | 17:35 GMT+7
Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã có Công văn số 2298/BTNMT-TTTMT gửi các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan về việc tổ chức các hoạt động của Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2021.

Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học (22/5) được Liên Hợp Quốc lựa chọn và phát động trên phạm vi toàn cầu với mục tiêu nâng cao nhận thức cộng đồng về đa dạng sinh học. Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm nay có chủ đề “Chúng ta là một phần của giải pháp - Vì thiên nhiên” nhằm kêu gọi con người sống hài hoà với thiên nhiên, áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên đối với các vấn đề toàn cầu về khí hậu, an ninh lương thực và nguồn nước, sinh kế bền vững cho người dân.

Hệ sinh thái đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với cuộc sống của con người, cung cấp cho chúng ta những lợi ích vô giá như ổn định khí hậu, lọc không khí, cung cấp oxy, cung cấp nguồn nước, thức ăn... Ngoài ra, hệ sinh thái còn là nơi cư trú của các loài động vật hoang dã. Tuy nhiên, các hệ sinh thái hiện đang có tốc độ suy thoái nhanh vì đang phải đối mặt với mối đe dọa như nạn chặt phá rừng; ô nhiễm nước hồ, sông suối; các vùng đất ngập nước trở nên khô hạn; vùng biển và ven biển bị suy giảm chất lượng và bị khai thác quá mức.

Để ứng phó với thực trạng này, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã ra tuyên bố giai đoạn 2021 - 2030 là thập kỷ về phục hồi hệ sinh thái. Đây là thời điểm để mỗi quốc gia cùng chung tay và có những hành động cụ thể, thiết thực vì thiên nhiên và trái đất của chúng ta.

Áp phích Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học 2021

Tại Việt Nam, nhằm tổ chức các hoạt động ý nghĩa, thiết thực, hiệu quả của Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2021, căn cứ vào điều kiện, tình hình thực tế tại thời điểm tổ chức, Bộ TN&MT đề nghị các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể; hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp và đơn vị liên quan quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp tổ chức hoạt động cụ thể như sau:

Triển khai thực hiện đồng bộ các chiến lược, đề án, nhiệm vụ và giải pháp về nghiên cứu và áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên, tiếp cận hệ sinh thái trong quá trình xây dựng quy hoạch cấp quốc gia, vùng, tỉnh; thành lập và quản lý hiệu quả những khu bảo tồn thiên nhiên; thúc đẩy việc thực hiện các mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững; áp dụng tiếp cận hệ sinh thái trong quản lý tổng hợp đới bờ, lưu vực sông, quản lý rừng bền vững, chú trọng vai trò và quyền lợi của cộng đồng.

Tăng cường các hoạt động kiểm soát buôn bán động vật hoang dã, khai thác các loài hoang dã di cư theo Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/07/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã và các văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan; quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại theo Chỉ thị số 42/CT-TTg ngày 08/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại.

Phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái; bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học; bảo tồn hiệu quả các loài và nguồn gen; đặc biệt là áp dụng những giải pháp dựa và thiên nhiên để giảm nhẹ tác động từ sự phát triển kinh tế - xã hội tới các hệ sinh thái; thúc đẩy việc xây dựng và thực hiện mô hình kinh tế sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên.

Thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ phục hồi hệ sinh thái bao gồm: hệ sinh thái rừng; hệ sinh thái hồ, sông, suối; hệ sinh thái biển và ven biển.

Công văn cũng nêu rõ, việc tổ chức tuyên truyền Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2021 cần phù hợp với quy định hiện hành về phòng, chống dịch; có sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức của cộng đồng, kêu gọi các tổ chức, cá nhân cùng chung tay phục hồi hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học.

Mỹ Dung