Tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy hợp tác mua bán than với Lào

Thứ sáu, 26/7/2024 | 09:17 GMT+7
Ngày 25/7, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị thúc đẩy hợp tác mua bán than với Lào.

Báo cáo tại hội nghị, ông Trịnh Đức Duy, Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than cho biết, triển khai MOU được ký giữa Bộ Công Thương Việt Nam với Bộ Năng lượng và Mỏ Lào vào tháng 7/2023, Vụ Dầu khí và Than đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện và đơn vị cung cấp than xem xét ưu tiên mua than của Lào cho việc sản xuất điện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu hiệu quả.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2023, Việt Nam nhập khẩu khoảng 2,2 triệu tấn than từ Lào với trị giá khoảng 159 triệu USD. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu từ Lào khoảng 1,17 triệu tấn than với giá trị khoảng 75,8 triệu USD.

Tuy nhiên, hợp tác mua bán than với Lào vẫn đang gặp nhiều khó khăn tập trung chủ yếu vào nhóm khó khăn từ cơ sở hạ tầng: hoạt động nhập khẩu than từ Lào về Việt Nam chỉ được thông quan chủ yếu qua cặp cửa khẩu quốc tế La Lay (Quảng Trị) và La Lay (Salavan); giá than từ Lào cao, không đảm bảo tính cạnh tranh với giá than sản xuất trong nước hay than nhập khẩu từ các quốc gia khác…

Kiến nghị giải pháp trong ngắn hạn, lãnh đạo Vụ Dầu khí và Than đề xuất, phía Lào xem xét giảm giá thành than xuất khẩu (thực hiện những giải pháp giảm giá thành sản xuất, giảm bớt khâu trung gian...) và giá bán than để gia tăng tính cạnh tranh với loại than mà Việt Nam đang nhập khẩu từ các quốc gia khác; nghiên cứu đầu tư nâng cấp và mở rộng các tuyến đường để cải thiện tình trạng giao thông, nâng cao năng lực vận chuyển...

Về dài hạn, đề xuất phía Lào nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ việc xuất khẩu than sang Việt Nam (không áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu than 10% đối với than xuất khẩu sang Việt Nam...). Đề nghị các đơn vị ngành than chủ động nghiên cứu và sớm thúc đẩy việc đầu tư thăm dò, khai thác than tại Lào để phục vụ nhu cầu sử dụng trong nước.

Ảnh minh họa

Tại hội nghị, đại diện EVN, PVN, TKV, PV Power, Tổng công ty Đông Bắc và đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương cũng đã có báo cáo, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc, đồng thời đề xuất giải pháp thúc đẩy mua bán than với Lào.

Để tháo gỡ vướng mắc, thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ về thúc đẩy hoạt động mua bán than từ Lào, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị quán triệt chủ trương chung là đẩy mạnh việc hợp tác thương mại than giữa Lào và Việt Nam theo tinh thần "giúp bạn là giúp mình".

Đối với các tập đoàn, tổng công ty, các đơn vị trực tiếp sử dụng than, Bộ trưởng yêu cầu tăng cường phối hợp hiệu quả; thực hiện tốt các hợp đồng cung cấp than cho sản xuất điện theo nguyên tắc tất cả vì mục tiêu chung, vì lợi ích quốc gia dân tộc. Thực hiện nghiêm điều khoản cam kết tại các hợp đồng mua bán than cho sản xuất điện đã ký. Đồng thời, chủ động, tích cực trong thực hiện đàm phán với đối tác trong nhập khẩu than từ Lào nhằm mục tiêu "nhập khẩu càng nhiều càng tốt".

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam bảo đảm cung cấp đủ, ổn định than cho hộ tiêu thụ theo các hợp đồng mua bán than đã ký; trong mọi trường hợp không được để xảy ra đứt gãy nguồn cung. Bên cạnh đó, cần có văn bản cụ thể kiến nghị Chính phủ về việc áp dụng cơ chế ký hợp đồng mua than trực tiếp, dài hạn với nhà cung cấp phía Lào với giá thế giới.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên giao Vụ Dầu khí và Than chủ trì, phối hợp với Cục Điều tiết điện lực định kỳ hàng quý rà soát, cập nhật biểu đồ cấp than cho sản xuất điện phù hợp tình hình thực tế. Đề xuất cơ chế cho các tập đoàn/tổng công ty ký hợp đồng mua than trực tiếp, dài hạn với nhà cung cấp phía Lào để báo cáo Thủ tướng quyết định.

Vụ Thị trường châu Á - châu Phi chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan và tỉnh Quảng Trị thúc đẩy chủ đầu tư khẩn trương triển khai việc đầu tư băng tải vận chuyển than. Đồng thời, tổng hợp đề xuất, kiến nghị của các tập đoàn, tổng công ty cùng với Vụ Dầu khí và Than đưa ra những kiến nghị, đề xuất tại kỳ họp thứ 47 Ủy ban Liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào.

Bộ trưởng nhấn mạnh, thời gian tới, một mặt vẫn cần tiếp tục rà soát để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao năng lực khai thác, sản xuất than trong nước nhằm đảm bảo giữ được mức giá than ổn định; mặt khác, cần đẩy mạnh nhập khẩu than từ Lào, gia tăng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu than cho sản xuất điện và sản xuất trong nước.

An Vinh (t/h)