Văn hóa, du lịch

Thế giới nghệ thuật của xiếc tre Việt Nam

Thứ ba, 23/7/2019 | 09:53 GMT+7
Cây tre biến hóa không ngừng, vở diễn đặc tả văn hóa vùng miền... là những điểm độc đáo của loại hình nghệ thuật này.

Xiếc tre Việt Nam là loại hình nghệ thuật Việt Nam được mời lưu diễn quốc tế nhiều nhất: hơn 500 xuất diễn tại 17 quốc gia, với hơn 200.000 lượt khán giả. Xiếc tre Việt Nam được biểu diễn tại những nhà hát danh tiếng thế giới như Sydney Opera House (Australia), Kanagawa Arts Theatre và Yokosuka Arts Theatre (Nhật), Le Quartz (Pháp) và Royal Opera House Muscat (Oman).

Vở diễn Làng tôi (My Village) cũng là vở diễn xiếc tre Việt Nam đầu tiên lưu diễn khắp châu Âu với 300 suất diễn tại 9 quốc gia. Hiện nay, Làng tôi được biểu diễn thường xuyên tại Nhà hát lớn Hà Nội và Nhà hát Tuồng Việt Nam. Vở diễn À Ố Show là vở diễn nghệ thuật của Việt Nam trình diễn nhiều nhất ở nước ngoài từ năm 2015 với hơn 200 suất diễn, chu du qua 50 thành phố thuộc 11 quốc gia..

Tháng 6 vừa qua, À Ố Show - một trong nhiều vở diễn đặc sắc của xiếc tre Việt Nam lần đầu tiên được trình diễn tại Sydney Opera House, đưa nghệ thuật Việt lên một tầm cao mới. Dưới đây là 5 điểm khiến xiếc tre Việt Nam thu hút người xem.

Nhân vật cây tre biến hóa không ngừng

Sử dụng đạo cụ chính từ tre - chất liệu quen thuộc trong đời sống của người Việt, vở diễn đưa khán giả đi từ ngạc nhiên này đến bất ngờ khác nhờ sự biến hóa của tre. Các thanh tre mảnh trở thành xà ngang, xà dọc nâng đỡ diễn viên, giúp họ đu bám, tung hứng, nhào lộn, thậm chí bay lượn quanh thân tre, mang đến những màn trình diễn xiếc mãn nhãn.

Những cây tre mảnh biến hóa không ngừng và có thể giúp nâng đỡ diễn viên tại vở diễn "Teh Dar".

Nhờ trí tưởng tượng và bàn tay tài tình của các bậc thầy sân khấu, cây tre cũng được sử dụng chính để sắp đặt bối cảnh, biến hóa không ngừng thành con sông quê êm đềm, ngọn núi hùng vĩ, con đò đưa khách qua sông hay vách tường nhà che chở cho con người. Cuộc sống yên ả, thanh bình của làng quê Việt Nam từ đó được tái hiện đầy tính nghệ thuật.

Chạm đến cảm xúc từ hình thức xiếc kể chuyện

Khác với hình thức xiếc thông thường, trong xiếc tre Việt Nam, những mảnh ghép giàu hình tượng về văn hóa của dải đất hình chữ S được tái hiện bằng hình thức "xiếc kể chuyện". Các vở diễn không cần sử dụng lời dẫn, tự kể câu chuyện về bản sắc văn hóa bằng ngôn ngữ hình thể ý nhị và những pha tung hứng ngoạn mục.

Các vở diễn của xiếc tre Việt Nam kể chuyện bằng ngôn ngữ cơ thể tại vở diễn "Làng tôi".

Xiếc tre Việt Nam chạm đến cảm xúc người xem bằng sự kết hợp nhuần nhuyễn ngôn ngữ cơ thể của diễn viên, ánh sáng, âm nhạc và tiếng động. Câu chuyện văn hóa qua đó đi vào lòng người một cách dung dị.

Âm nhạc và sự hội tụ của những di sản văn hóa phi vật thể

Vở diễn được biểu diễn trực tiếp trên sân khấu nên âm nhạc trong xiếc tre Việt Nam vượt ra khỏi vai trò làm nền, trở thành một "nhân vật" chính, định hình nét đặc trưng của từng vở diễn. Xiếc tre Việt Nam hội tụ những loại hình và không gian âm nhạc được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại như cồng chiêng Tây Nguyên, Đờn ca tài tử hay ca trù Bắc Bộ tùy theo chủ đề của vở diễn. 

Đặc tả văn hóa vùng miền 

Xiếc tre Việt Nam không đơn thuần tái dựng các sinh hoạt văn hóa, mà còn truyền tải được cái hồn của văn hóa dân gian thông qua ánh sáng, âm thanh và sắp đặt sân khấu. Trong mỗi vở diễn khác nhau, khán giả sẽ bắt gặp những nét văn hóa khác biệt, đặc trưng cho mỗi vùng miền của Việt Nam.

Đó là những hình ảnh ngày càng hiếm thấy trong đời sống hiện đại như người chăn vịt ngoài đồng dưới ánh trăng ở Nam Bộ, nghi lễ cầu thần linh phù hộ mùa màng ở các buôn làng Tây Nguyên, những đêm ả đào gái trai hẹn hò tình tứ ở làng quê Bắc Bộ...

Mỗi yếu tố từ vũ đạo, chuyển động của người và vật trong xiếc tre Việt Nam đều rất quan trọng. Trong ảnh là vở diễn "À Ố Show".

Sự phối hợp trong nghệ thuật sắp đặt sân khấu đỉnh cao

Phía sau thành công của mỗi suất diễn là sự nỗ lực để kết nối các nghệ sĩ, nghệ sĩ và đạo cụ, âm nhạc và ánh sáng, cách bày trí sân khấu và nhân vật. Mỗi yếu tố đều là những mắt xích quan trọng, từ vũ đạo, chuyển động của người và vật, sắp đặt sân khấu đến nghệ thuật thị giác tổng thể và giai điệu đều được tính toán tỉ mỉ đến từng khoảnh khắc, góp phần mang đến thành công chung.

Theo Vnexpress