Thế hệ trẻ tham gia bảo tồn thiên nhiên

Thứ hai, 26/8/2024 | 16:16 GMT+7
Mới đây, tại Đà Nẵng, đông đảo các nhà bảo tồn trẻ, sinh viên đa ngành và các chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn đã tham gia Hội nghị sinh viên về bảo tồn thiên nhiên (SCNC 2024).

SCNC 2024 là hội nghị dành riêng cho thế hệ trẻ của ngành bảo tồn Việt Nam. Hội nghị là cơ hội, môi trường mở để các nghiên cứu sinh và nhà bảo tồn trẻ tìm hiểu về các chương trình bảo tồn tại Việt Nam. Qua đó tạo lập được mạng lưới kết nối vững chắc giữa các nhà bảo tồn trẻ nói riêng và ngành bảo tồn nói chung.

Hội nghị SCNC 2024 do Trung tâm Hành động vì động vật hoang dã Việt Nam phối hợp cùng Hội Động vật học Frankfurt (FZS), Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học nước Việt xanh (GreenViet), trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng tổ chức. Hội nghị đã nhận được hơn 60 đề tài nghiên cứu đến từ 3 miền đất nước, trong đó có 25 đề tài xuất sắc được lựa chọn để trình bày tại hội nghị, bao gồm 14 đề tài diễn thuyết và 11 đề tài poster.

Các nhà bảo tồn trẻ, sinh viên đa ngành và các chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn cùng tham gia Hội nghị SCNC 2024

Với chủ đề “Sức trẻ vì mục tiêu bảo tồn”, hội nghị năm nay đã khẳng định được vai trò của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ thiên nhiên. Mặt khác, sự kiện cũng thu hút được sự tham gia của các đại biểu từ nhiều ngành nghề khác nhau nhưng cùng có mối quan tâm đến bảo tồn hệ sinh thái. Đây là nhân tố mang đến cho hội nghị những góc nhìn mới, khách quan, qua đó mở rộng quan điểm và cơ hội nghề nghiệp - hợp tác đa ngành cho ngành bảo tồn.

Tại hội nghị, Giám đốc WildAct Việt Nam Nguyễn Trang nhấn mạnh, SCNC 2024 là nền tảng bền vững, giúp định hình tương lai cho ngành bảo tồn Việt Nam. Thông qua việc chia sẻ tri thức và kinh nghiệm tại hội nghị, WildAct tin rằng SCNC và thế hệ trẻ sẽ cùng tạo ra sự thay đổi tích cực cho cộng đồng bảo tồn và sự phát triển bền vững của môi trường. Đây còn là cơ hội để xây dựng những mối quan hệ đối tác mạnh mẽ, góp phần bảo vệ và phát triển đa dạng sinh học Việt Nam.

Các đại biểu đã nêu rõ những vấn đề cấp thiết liên quan đến việc bảo tồn thiên nhiên như: giám sát đa dạng sinh học, phòng chống buôn bán động vật hoang dã trái phép, tái thả, cứu hộ và phúc lợi động vật hoang dã, bệnh dịch truyền từ động vật hoang dã sang người, giáo dục và truyền thông xã hội.

Tại phiên thảo luận chủ đề về “Các hướng phát triển, cơ hội nghề nghiệp trong ngành bảo tồn động vật hoang dã” và “Những câu chuyện về bảo tồn - góc nhìn từ những nhà bảo tồn trẻ”, ông Phan Phú, kỹ thuật viên phúc lợi động vật tại Tổ chức động vật châu Á đề xuất, những người trẻ có trách nhiệm đưa ra những phương pháp bảo tồn mới mẻ và hiệu quả, đồng thời truyền cảm hứng cho cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ những loài động vật quý hiếm và môi trường sống của chúng.

Về định hướng nghề nghiệp trong ngành bảo tồn, ông Trần Hữu Vỹ, Giám đốc GreenViet nhấn mạnh, vấn đề thiếu nguồn nhân lực ngành bảo tồn đa dạng sinh học đang là vấn đề chung mà chúng ta phải đối mặt. Xu hướng sinh viên lựa chọn ngành sinh học, lâm nghiệp hoặc tương tự rất ít, ra trường còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận và phát triển nghề nghiệp. Vì vậy, việc tổ chức những hội nghị có tính định hướng, ghi nhận, tạo ra động lực cho thế hệ các nhà bảo tồn trẻ tham gia là cần thiết. Giám đốc GreenViet mong rằng, thông qua hội nghị, thế hệ trẻ được hướng nghiệp, tạo cơ hội tiếp cận đến một số lĩnh vực môi trường, đặc biệt là bảo tồn đa dạng sinh học.

Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu còn được tham gia chuyến thực địa tại bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng để tìm hiểu về hệ sinh thái đặc trưng của khu vực, cụ thể là các loài linh trưởng quý hiếm như voọc chà vá chân nâu. 

Gia Bảo (T/H)