Thêm giải pháp quản lý ô nhiễm vi nhựa

Thứ hai, 8/3/2021 | 11:24 GMT+7
Để quản lý ô nhiễm vi nhựa ở Việt Nam một cách hiệu quả thì việc hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý chất thải nhựa và vi nhựa là nhiệm vụ trọng tâm.

Đây là phát biểu của ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường.

Trong hội thảo “Ô nhiễm vi nhựa ở Việt Nam: Từ nghiên cứu khoa học đến các can thiệp về chính sách” được Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) và Viện Nghiên cứu vì sự phát triển Pháp (IRD) phối hợp tổ chức, ông Nguyễn Trung Thắng đã đề xuất nhiều giải pháp quản lý ô nhiễm vi nhựa ở Việt Nam hiệu quả.

Theo ông, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách pháp luật về quản lý chất thải nhựa. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có quy định về giảm chất thải từ các sản phẩm nhựa sử dụng một lần; việc tái chế chất thải nhựa chưa được triển khai một cách chính thức.

Bên cạnh đó, còn tồn tại khoảng trống trong nhận thức, hiểu biết và chính sách pháp luật về quản lý ô nhiễm vi nhựa từ các nguồn sơ cấp. Ngoài ra, còn nhiều vướng mắc, bất cập trong áp dụng thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với túi ni lông và việc thu hồi các sản phẩm nhựa trong danh mục theo Quyết định số 16/QĐ-TTg chưa được triển khai. Chưa có quy định về vi nhựa trong xử lý nước thải, quản lý chất lượng không khí.

Nước thải chưa qua xử lý thải trực tiếp ra sông Tô Lịch

Để quản lý ô nhiễm vi nhựa ở Việt Nam một cách hiệu quả, theo ông Thắng, việc hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý chất thải nhựa và vi nhựa là nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, cần xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn Luật BVMT năm 2020 về quản lý chất thải nhựa và kiểm soát ô nhiễm vi nhựa; đưa nội dung về quản lý chất thải nhựa và kiểm soát ô nhiễm vi nhựa vào các quy định của Luật Tài nguyên môi trường biển, hải đảo sửa đổi, các luật có liên quan và các văn bản hướng dẫn thi hành; lồng ghép nội dung về phát triển kinh tế tuần hoàn, quản lý chất thải nhựa và kiểm soát ô nhiễm vi nhựa trong các chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực.

Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng nhằm giảm thiểu việc thải bỏ chất thải nhựa, vi nhựa vào môi trường. Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong quản lý chất thải nhựa, vi nhựa và sản xuất các nguyên liệu nhựa sinh học, sản phẩm thân thiện với môi trường. Ngoài ra, tăng cường hợp tác quốc tế về quản lý nhựa và vi nhựa; tăng cường thực thi, tuân thủ chính sách pháp luật về quản lý chất thải nhựa và vi nhựa thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Cũng trong buổi làm việc, bà Emilie Strady, nhà nghiên cứu thuộc IRD cho biết, theo nghiên cứu đánh giá nồng độ vi nhựa trong các môi trường nước ngọt và biển ở Việt Nam, phạm vi ô nhiễm vi nhựa có liên quan đến các hoạt động dân sinh xung quanh, như sử dụng nhựa trong nghề cá, nuôi trồng thủy sản, trong hộ gia đình, bãi rác, áp lực đô thị lên môi trường và việc thải trực tiếp nước thải (đã qua xử lý hoặc chưa qua xử lý).

Phạm vi nồng độ nhựa thấp hơn được quan sát thấy ở các vịnh, trong khi phạm vi nồng độ cao hơn được ghi nhận tại nhiều con sông. Cụ thể, vi nhựa thể hiện sự biến đổi nồng độ đa dạng từ 2,3 hạt/m3 ở sông Hồng đến 2.522 hạt ở sông Tô Lịch, với nồng độ thấp hơn ở sông chính và nồng độ cao hơn ở các sông nhỏ và đô thị, đặc biệt ở các vùng tiếp nhận nước thải chưa qua xử lý. Trong các vịnh, nồng độ vi nhựa thay đổi từ 0,4 hạt/m3 ở vịnh Cửa Lục đến 28,4 hạt/m3 ở cửa sông Dinh.

Bà Lê Kiều Thủy Chung, Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ thêm, vi nhựa đã được tìm thấy trong các cơ quan khác nhau của các loài sinh vật, trong đó, cơ quan tiêu hóa và mang là nơi tích lũy phần lớn các vi nhựa. Theo nghiên cứu, mức độ ô nhiễm vi nhựa trong thủy sinh ở Việt Nam tương đối cao so với các sinh vật hai mảnh vỏ ở châu Âu, hay một số loài cá ở vùng biển Địa Trung Hải.

Ngoài ra, tác động của các hoạt động tại địa phương như áp lực dân số cao, hoạt động sản xuất công nghiệp và quy trình xử lý nước thải dẫn đến sự tích lũy vi nhựa dạng sợi nhiều hơn đáng kể so với dạng mảnh. Điều này có thể dẫn đến việc lan truyền và tích lũy vi nhựa cũng như các chất ô nhiễm khác từ sinh vật bậc thấp đến sinh vật bậc cao và thậm chí là trong cơ thể con người thông qua chuỗi thức ăn.

Huyền Dung