Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam vừa tổ chức hội thảo tham vấn quốc gia với các Bộ, ngành và cơ quan liên quan về thiết kế hệ thống giám sát môi trường sông Mê Kông.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trương Hồng Tiến, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam cho biết, nhằm tối ưu hóa hiệu quả của các mạng giám sát môi trường sông Mê Kông trên cả phương diện kỹ thuật và chi phí vận hành, từ tháng 2/2022 đến nay, Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Kông đã tiến hành đánh giá hiện trạng và phân tích chi phí, lợi ích của các phương án điều chỉnh thiết kế cho các mạng giám sát môi trường sông Mê Kông.
Nghiên cứu xây dựng hệ thống giám sát môi trường sông Mê Kông
Trên cơ sở kết quả thảo luận và thống nhất tại các hội thảo tham vấn vùng tổ chức ngày 17/8 và các cuộc họp tham vấn kỹ thuật với các quốc gia thành viên tổ chức trong tháng 9/2022, Ban Thư ký Ủy hội đã tiến hành thiết kế lại mạng giám sát môi trường sông Mê Kông.
Theo đó, mạng lưới giám sát sông chủ chốt (CRMN) là tập hợp tối thiểu các trạm và các vị trí lấy mẫu cần thiết để cho phép Ủy hội sông Mê Kông quốc tế thực hiện chức năng quản lý lưu vực sông chính theo cách thức bền vững về tài chính, gắn với 5 lĩnh vực mang tính môi trường như: thủy văn, phù sa, chất lượng nước, sức khỏe sinh thái, thủy sản.
CRMN được thành lập nhằm theo dõi và đánh giá các điều kiện thay đổi của sông; giám sát các tác động của đập; cải thiện dự báo lũ và hạn; thông báo những thay đổi về điều kiện kinh tế - xã hội.
Các thông số cần theo dõi bao gồm: mực nước, lượng mưa, lưu lượng (nếu có) với tần suất truyền dữ liệu theo thời gian thực (đối với dữ liệu vận hành) và hàng tháng, hàng năm (đối với dữ liệu được kiểm soát) tại 58 trạm đề xuất trong CRMN thuộc 4 quốc gia là Việt Nam, Lào, Thái Lan và Campuchia.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã phát biểu ý kiến, thảo luận nhằm hoàn thiện dự thảo báo cáo thiết kế hệ thống các trạm giám sát sông Mê Kông.
Gia Linh