Nông nghiệp sạch

Thừa Thiên - Huế thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng bền vững

Thứ hai, 14/2/2022 | 14:49 GMT+7
Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) do Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn đầu đã vừa có buổi làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về phát triển nông nghiệp.

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, thời gian qua, sản xuất nông lâm ngư nghiệp của tỉnh đã ghi nhận những bước phát triển khá toàn diện. Cụ thể, nông nghiệp và kinh tế nông thôn chuyển biến theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng; tập trung cơ cấu lại ngành theo hướng ưu tiên phát triển với 3 nhóm sản phẩm: chủ lực quốc gia, chủ lực cấp tỉnh và Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Hoạt động tổ chức liên kết trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh tiếp tục được chú trọng thực hiện, trong đó đã duy trì 83 dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; từng bước ổn định đầu ra cho nông sản, nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm tham gia chuổi liên kết; một số sản phẩm của các dự án liên kết đã được công nhận là sản phẩm OCOP.

Trên từng lĩnh vực của ngành bước đầu đạt được kết quả nhất định; an ninh lương thực luôn được đảm bảo; kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư đồng bộ và ngày càng hoàn thiện; đời sống dân cư nông thôn ngày càng được nâng cao.

Ngành nông nghiệp và kinh tế nông thôn tỉnh Thừa Thiên – Huế đang có chuyển biến tích cực

Đánh giá cao những kết quả mà ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên – Huế đạt được trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại ngành nông nghiệp không chỉ hiểu đơn thuần là phân bổ, điều chuyển quy mô, tăng giảm nội ngành mà phải là hành trình chuyển đổi mô hình, thay đổi tư duy, đổi mới phương thức, nâng cao nhận thức. Vấn đề mà ngành nông nghiệp Thừa Thiên - Huế cần quan tâm trong sản xuất nông nghiệp là năng suất, sản lượng; quy hoạch sản xuất; phòng chống dịch bệnh; khuyến nông; hỗ trợ kỹ thuật và bảo vệ thực vật. Về kinh tế nông nghiệp cần quan tâm đến chi phí sản xuất, chất lượng nông sản, thị trường tiêu thụ, giá trị tăng thêm, xây dựng chuỗi ngân hàng và kết nối được cung cầu”.

Theo đó, Bộ trưởng đề nghị, những chương trình phát triển của Thừa Thiên - Huế từ khuyến nông, kinh tế hợp tác, chế biến, phát triển thị trường, kể cả thủy sản, lâm nghiệp phải tư duy tích hợp đa giá trị; sản xuất phải gắn liền với phát triển thị trường, ổn định đầu ra cho sản phẩm. Người nông dân phải tạo ra sản phẩm khác biệt để nâng cao giá trị gia tăng.

Để phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, địa phương cần đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Cùng với việc đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng cần chú trọng phát triển khu vực kinh tế nông thôn, năng lực cộng đồng dân cư nông thôn; hình thành nhiều mô hình hiệu quả; ứng dụng công nghệ thông minh để mỗi làng, xã đều trở thành mô hình làng, xã thông minh.

Đồng thời, tỉnh cần tổ chức lại hoạt động sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung; đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị, củng cố và phát triển tổ chức hợp tác xã để làm hạt nhân trong các khâu liên kết. Tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; đầu tư hạ tầng nông thôn đáp ứng nhu cầu sản xuất; phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Khánh An (T/H)