Nông nghiệp sạch

Kết nối sản xuất và tiêu thụ thanh long

Thứ sáu, 7/1/2022 | 09:03 GMT+7
Ngày 6/1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Diễn đàn trực tuyến kết nối sản xuất và tiêu thụ thanh long.

Tại diễn đàn, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Thanh Tùng, Bộ NN&PTNT cho biết, sản lượng thanh long của Việt Nam đạt khoảng gần 1,4 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, sản lượng này không phân bố đều (quý I khoảng 300.000 tấn, quý II khoảng 150.000 tấn, quý III khoảng 400.000 tấn, quý IV khoảng 500.000 tấn) và được trồng chủ yếu ở 3 tỉnh (80% tổng sản lượng cả nước): Bình Thuận (khoảng 34.000ha), Long An (khoảng 12.000ha) và Tiền Giang (khoảng 10.000ha).

Theo đó, trong quý I/2022, dự kiến có khoảng 300.000 tấn thanh long cần tiêu thụ, nhất là trong tháng 1 – dịp chuẩn bị hàng hóa phục vụ cho tết Nguyên đán.

Đẩy mạnh tiêu thụ thanh long cho các địa phương, nhất là trong dịp lễ, tết đầu năm

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận Phan Văn Tấn cho biết, dự kiến trong quý I/2022, tỉnh có hơn 100.000 tấn thanh long cần tiêu thụ. Giai đoạn 3 tháng đầu năm luôn là lúc tỉnh tập trung nhân lực, nguồn lực để sản xuất, tiêu thụ, vận chuyển, chế biến thanh long.

Trong khi hiện nay, trên địa bàn tỉnh, các thương lái đang thu mua chậm, một số nơi còn ngừng thu mua thanh long do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đặc biệt, vấn đề xuất khẩu cũng gặp rất nhiều khó khăn chủ yếu do Trung Quốc – nước nhập khẩu chủ yếu thanh long của tỉnh đã thông báo dừng nhập khẩu.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đề nghị, Sở NN&PTNT Bình Thuận cần tham mưu cho UBND tỉnh để sớm tổ chức diễn đàn kết nối tại địa phương tạo cơ hội kết nối tiêu thụ với các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị Bình Thuận cần đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng cho thanh long. Việc này nên có kế hoạch để triển khai sớm bởi hiện nay rất nhiều nước có yêu cầu có mã số vùng trồng để đến khi có điều kiện mở cửa thị trường sẽ tạo điều kiện xuất khẩu nhanh chóng.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, Ấn Độ có nhu cầu rất lớn trong tiêu thụ thanh long. Hàng năm, Ấn Độ nhập khẩu tới 95% thanh long từ Thái Lan, Malaysia, Việt Nam…. Năm 2019 - 2020, xuất khẩu thanh long từ Việt Nam sang Ấn Độ tăng gần 100% so với năm trước, ở mức hơn 11.000 tấn, kim ngạch 9,86 triệu USD. Năm 2020 - 2021, kim ngạch xuất khẩu giảm khoảng 25% so với năm trước do tác động của dịch Covid-19.

Trên cơ sở đó, ông Bùi Trung Thướng khuyến nghị, các Bộ, ngành cần thường xuyên giữ kết nối, trao đổi với đại diện cơ quan các nước đối tác; tổ chức các kỳ họp, nhóm làm việc; tích cực đàm phán mở rộng thị trường tiêu thụ trái cây… Đối với hiệp hội, cơ quan xúc tiến thương mại, cần phối hợp với các thương vụ, cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại; hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Tán thành với Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ, Thứ trưởng Trần Thanh Nam chỉ đạo, hiện các thị trường đều đòi hỏi cao về mặt tiêu chuẩn, quy chuẩn, do đó cần nỗ lực đáp ứng được yêu cầu về chất lượng sản phẩm và quy định bảo quản của các thị trường đó để đẩy mạnh xuất khẩu. Đáng lưu ý, với các địa phương trọng điểm trồng thanh long như Bình Thuận, Long An, Tiền Giang cần tham mưu với lãnh đạo tỉnh để có phương án tháo gỡ tại địa phương, nhất là trong kết nối với doanh nghiệp chế biến để hỗ trợ tiêu thụ cho bà con nông dân.

Trong thời điểm tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang đến gần, việc tăng cường kết nối với các tập đoàn bán lẻ để tăng cường tiêu thụ thanh long là vô cùng cần thiết. Ngược lại, Thứ trưởng cũng mong muốn các tập đoàn, doanh nghiệp quan tâm đồng hành cùng với bà con nông dân ngay lúc này, thúc đẩy các chương trình ưu tiên quảng bá cho thu mua nông sản...

Huyền Dung