Quá trình phát triển năng lượng tái tạo vẫn còn thách thức
Tại Diễn đàn Năng lượng Việt Nam 2025 với chủ đề “Năng lượng xanh, sạch kiến tạo kỷ nguyên kinh tế mới - Giải pháp thúc đẩy phát triển nhanh các nguồn năng lượng mới” do Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam và Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam phối hợp với Tạp chí kinh tế Việt Nam vừa tổ chức tại Hà Nội, nhiều chuyên gia nhận định mặc dù nhiều chính sách đã được ban hành nhưng các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời vẫn gặp khó khăn. Quy trình đầu tư phức tạp, giá điện chưa hấp dẫn và các dự án điện gió ngoài khơi đòi hỏi vốn lớn, công nghệ phức tạp, thời gian triển khai kéo dài. Ngoài ra, sự thiếu hụt quy định thị trường đối với các nguồn điện linh hoạt và tích trữ năng lượng cũng là một thách thức.

Quang cảnh diễn đàn
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Ngọc Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế ngành, Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương cho rằng, các nghiên cứu về cơ chế, chính sách cho điện gió ngoài khơi có vai trò quan trọng, tuy nhiên quá trình thực hiện còn chậm. Ngoài ra, các nghiên cứu cơ chế cho điện khí/LNG, các loại hình năng lượng tái tạo khác cũng tương tự. Tỷ trọng tổng cung năng lượng sơ cấp còn thấp do hạn chế lưu trữ, công suất hữu dụng năng lượng tái tạo chưa cao. Trong Quy hoạch điện VIII điều chỉnh tới đây, mục tiêu đặt ra là nâng tổng cung năng lượng sơ cấp từ năng lượng tái tạo.
Với nguồn điện khí LNG, bên cạnh các quy định hiện có tại Nghị định số 56/2025/NĐ-CP mới ban hành, nhà đầu tư vẫn đang mong sẽ có thêm các điều kiện hấp dẫn để tăng tốc triển khai dự án. Trong khi đó, các dự án điện hạt nhân dù đã có cơ chế đặc biệt để đẩy nhanh tiến độ nhưng vẫn cần thêm thời gian để hoàn thiện hành lang pháp lý cần thiết và hoàn thiện các thực thể quản lý.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội năng lượng Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, quá trình thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam còn gặp nhiều thách thức liên quan đến xét duyệt đầu tư, nhân lực, công nghệ và thị trường. Hiện sự tăng trưởng của các nguồn năng lượng tái tạo đang chững lại. Ông cũng đưa ra hàng loạt vấn đề. Trong đó, đối với năng lượng hạt nhân, theo ông Tuấn, quy mô phát triển các nguồn tích năng, linh hoạt, lưu trữ lớn, trong khi chưa có quy định thị trường và giá cả mua/bán điện cho các loại hình này. Các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 mặc dù đã có cơ chế đặc biệt để đẩy nhanh tiến độ nhưng cần thêm thời gian để hoàn thiện các hành lang pháp lý.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, phát triển nhanh các nguồn năng lượng mới
Ông Nguyễn Anh Tuấn đã nêu một số khuyến nghị. Cụ thể, cần sớm hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đối với các văn bản dưới Luật, cần phải ban hành các quy định giá mua bán điện của các nguồn linh hoạt, giá mua bán điện thủy điện tích năng, làm cơ sở để hỗ trợ phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, các nguồn năng lượng mới.
Theo ông Tuấn, đối với điện mặt trời, nếu chúng ta chỉ phát triển điện mặt trời tập trung thì sẽ không đủ đất vì vậy cần phải khuyến khích điện mặt trời mái nhà phát triển. Đồng thời, cần phải giải quyết nhanh hợp tình, hợp lý với các dự án năng lượng tái tạo vướng mắc như trong thời gian vừa qua. Đó là câu chuyện 173 dự án vướng mắc trong việc thực hiện giá FIT, chậm thực hiện giá FIT, có như vậy mới gỡ bỏ được tâm lý e ngại cho các nhà đầu tư.

Thúc đẩy phát triển nhanh các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới
Ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ, với hàng trăm, hàng nghìn dự án cần được đầu tư trong những năm tới, chuyện đàm phán giá cho từng dự án sẽ rất phức tạp. Để giảm gánh nặng cho nhà đầu tư và EVN là người đàm phán, nên soạn một biểu giá FIT mới, giá FIT linh hoạt để chúng ta áp dụng hàng loạt, sẽ giảm bớt được rất nhiều khối lượng đàm phán. Khi đã thực hiện theo một form mẫu, việc giám sát, kiểm tra, nghiệm thu sẽ thuận hơn.
Chúng ta nên thực hiện cơ chế điều chỉnh giá linh hoạt theo đầu vào, theo từng thời kỳ để tạo yên tâm cho các nhà đầu tư, phát triển hệ thống nguồn và lưới điện, ông Tuấn đề xuất.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển Đặng Huy Đông cho biết, chúng ta phải huy động lượng vốn lớn từ thị trường vốn và các tổ chức tài chính quốc tế để đầu tư cho ngành điện nên cần bảo đảm an toàn tài chính và chia sẻ rủi ro với các định chế tài chính quốc tế. Nếu không có quy định rõ ràng về vấn đề này, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài sẽ gặp khó khăn. Theo ông Đặng Huy Đông, nhà nước cần bảo đảm khả năng chuyển đổi ngoại tệ, đặc biệt khi thị trường ngoại tệ khan hiếm để các nhà đầu tư tiếp tục có nguồn vốn cho các dự án thiết yếu, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng.
Bà Virginia Foote, Phó Chủ tịch AmCham Hà Nội, thành viên Ban lãnh đạo Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam và thành viên Ban lãnh đạo Nhóm Công tác Điện và Năng lượng hoan nghênh kịch bản phát triển cao của năng lượng tái tạo trong Quy hoạch điện VIII. Bàn về giải pháp ngắn hạn là tăng cường các nguồn phụ tải, bà Virginia Foote cho biết, các nhà đầu tư rất quan tâm tới nội dung này và hy vọng sớm có các hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA) thành công.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp mong muốn đầu tư tại Việt Nam kỳ vọng sẽ nhìn thấy những hành động thúc đẩy năng lượng tái tạo của Chính phủ một cách quyết liệt hơn nữa. Vấn đề trọng yếu theo bà là thiếu các hợp đồng mua bán điện hiệu quả giữa bên cung cấp và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Ngoài ra, họ cũng gặp các thách thức về mặt tài chính.
Bà Virginia Foote nhấn mạnh: Chúng tôi khuyến nghị Việt Nam tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng các công nghệ hạt nhân trên thế giới trước khi xem xét áp dụng. Bên cạnh đó, việc đẩy nhanh các dự án LNG có năng lực tài chính là yếu tố quan trọng để đáp ứng nhu cầu gia tăng đối với nguồn điện nền. Khi nền kinh tế tăng trưởng mạnh, nguồn cung năng lượng cũng cần phát triển tương ứng.
Về điện gió ngoài khơi, để hoàn thành việc thu xếp vốn vào năm 2023, cần triển khai sớm các hoạt động khảo sát và xác định rõ lộ trình tiếp cận thị trường. Đồng thời, Việt Nam cần phát triển lưới điện ven biển, tăng cường đào tạo nhân lực và nâng cấp cơ sở hạ tầng, bao gồm cả cảng và nhà kho.