Năng lượng phát triển

Tỉnh Tuyên Quang thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh trong ngành giao thông vận tải

Thứ hai, 10/7/2023 | 10:14 GMT+7
UBND tỉnh Tuyên Quang vừa ban hành Kế hoạch số 149/KH-UBND ngày 6/7/2023 về việc triển khai thực hiện Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải.

Mục đích của kế hoạch là cụ thể hóa các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ để tổ chức triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Chuyển đổi năng lượng xanh là nhiệm vụ cơ bản và quan trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, đồng thời cũng là cơ hội để ngành giao thông vận tải của tỉnh phát triển đồng bộ theo hướng hiện đại hóa và bền vững, bắt kịp với xu thế và trình độ phát triển tiên tiến của thế giới.

Mục tiêu tổng quát: phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050.

Mục tiêu cụ thể của kế hoạch là giai đoạn đến năm 2030: nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, đẩy mạnh chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh đối với các lĩnh vực thuộc ngành giao thông vận tải đã sẵn sàng về mặt công nghệ, thể chế, nguồn lực nhằm thực hiện mức cam kết trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và mục tiêu giảm phát thải khí mê-tan của Việt Nam.

Giai đoạn đến năm 2050: phát triển hợp lý các phương thức vận tải, thực hiện mạnh mẽ việc chuyển đổi toàn bộ phương tiện, trang thiết bị, hạ tầng giao thông vận tải sang sử dụng điện, năng lượng xanh, hướng đến phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050; phát triển hạ tầng giao thông phi cơ giới.

Tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải. (Ảnh minh họa)

Kế hoạch nêu một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Cụ thể, về chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh: xây dựng chương trình chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh đối với phương tiện vận tải. Triển khai thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng năng lượng hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh khi được cơ quan Trung ương ban hành.

Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông xanh: triển khai phát triển hạ tầng giao thông theo quy hoạch của tỉnh, chú trọng hạ tầng phục vụ phát triển vận chuyển giao thông công cộng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phi cơ giới, điểm trông giữ phương tiện kết nối hợp lý với các phương thức vận tải hành khách công cộng khác. Các công trình giao thông (bến xe, bến thủy..) đảm bảo chuyển đổi theo tiêu chí xanh đúng quy định.

Phối hợp triển khai quy hoạch và xây dựng hệ thống trạm sạc điện, trạm cấp năng lượng xanh cho phương tiện giao thông trên địa bàn tỉnh... Đối với các tuyến đường đầu tư xây dựng mới trong đô thị và các khu du lịch cần bố trí làn đường dành cho người đi bộ và đi xe đạp, quy hoạch thành mạng lưới liên thông, kết nối với tất cả các điểm dừng đỗ xe buýt, taxi.

Về nguồn lực thực hiện, kế hoạch nêu rõ: huy động tối đa nguồn lực của Nhà nước, lồng ghép các chương trình, dự án, nguồn vốn ngân sách Nhà nước và mời gọi các nguồn xã hội hóa để đầu tư thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng xanh trong ngành giao thông vận tải để triển khai thực hiện.

Các chương trình, nhiệm vụ, dự án về công nghệ xanh, giảm phát thải khí nhà kính huy động tối đa sự hỗ trợ từ các quỹ tài chính khí hậu.

Các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông xanh huy động nguồn lực từ ngân sách nhà nước, huy động đầu tư tư nhân và đối tác công tư...

Đầu tư mới, đầu tư chuyển đổi phương tiện, trang thiết bị giao thông vận tải sử dụng điện, năng lượng xanh huy động sự hỗ trợ từ các quỹ tài chính khí hậu, từ nguồn xã hội hóa, doanh nghiệp, người dân.

An Vinh