Văn hóa, du lịch

Tổ chức Festival tôn vinh giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

Thứ tư, 20/9/2023 | 11:39 GMT+7
Mới đây, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch tổ chức Festival Văn hóa cồng chiêng tỉnh Gia Lai năm 2023 với chủ đề “Gia Lai - những sắc màu văn hóa”.

Festival được tổ chức nhằm tôn vinh các giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên theo tinh thần chương trình hành động hướng tới phục hồi, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; tuyên truyền, vận động các dân tộc trong và ngoài tỉnh giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đây cũng là dịp để các dân tộc tại Tây Nguyên gặp gỡ, giao lưu văn hóa, trao đổi học hỏi kinh nghiệm trong công tác bảo tồn, phát huy và quảng bá không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Đồng thời, tạo điều kiện để giới thiệu hình ảnh Gia Lai đến bạn bè trong nước và quốc tế, mở rộng cơ hội đón nhận đầu tư, liên kết các tỉnh Tây Nguyên phát triển vùng bảo đảm về an ninh chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, thu hút du lịch thông qua hình thức lễ hội, quảng bá bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên.

Văn hóa cồng chiêng các dân tộc Tây Nguyên

Theo kế hoạch, Festival Văn hóa cồng chiêng tỉnh Gia Lai năm 2023 sẽ có sự tham gia của khoảng 1.000 nghệ nhân đến từ các dân tộc thiểu số của 17 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên gồm: Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Kon Tum.

Festival sẽ có nhiều hoạt động đặc sắc như: lễ hội đường phố; sinh hoạt văn hóa cộng đồng; giới thiệu lễ hội, nghi thức văn hóa dân gian truyền thống; trưng bày, triển lãm nhạc cụ Tây Nguyên; ảnh nghệ thuật về văn hóa Gia Lai; giới thiệu về di tích quốc gia đặc biệt và bảo vật quốc gia của tỉnh Gia Lai; giới thiệu văn hóa ẩm thực Tây Nguyên; trình diễn đan lát, dệt vải, tạc tượng, chương trình trải nghiệm du lịch Gia Lai...

Lễ khai mạc sự kiện được tổ chức vào ngày 11/11 tại quảng trường Đại đoàn kết. Trong đó, sẽ diễn ra lễ công bố và đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Rộc Tưng - Gò Đá và công bố bảo vật quốc gia cho Sưu tập công cụ sơ kỳ đá cũ An Khê.

Để sự kiện diễn ra thành công tốt đẹp, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các hoạt động trong khuôn khổ Festival phải được chọn lọc kỹ càng; mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, địa phương; đảm bảo chất lượng, nội dung nghệ thuật, tính dân tộc, đa dạng phong phú, độc đáo và có tính tuyên truyền giáo dục cao. Ngoài ra, các nội dung hoạt động của Festival cần tạo được không khí vui tươi, phấn khởi, an toàn, tiết kiệm…

Lâm Bảo