Nông nghiệp sạch

Triển khai các dự án thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, bền vững

Thứ sáu, 10/5/2024 | 11:22 GMT+7
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Quyết định số 1298/QĐ-BNN-KN phê duyệt Danh mục dự án khuyến nông Trung ương thực hiện từ năm 2025.

Danh mục dự án khuyến nông Trung ương thực hiện từ năm 2025 bao gồm 50 dự án được triển khai rộng khắp các địa phương trên cả nước. Trong đó có thể kể đến: dự án Xây dựng mô hình sản xuất lúa chất lượng cao giảm phát thải phục vụ Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Dự án nhằm ứng dụng các giải pháp công nghệ mới trong xây dựng mô hình sản xuất lúa gạo thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải, giảm chi phí và nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng nhãn hiệu gạo "giảm phát thải" và nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; xây dựng và phát triển bền vững vùng nguyên liệu liên kết sản xuất tiêu thụ lúa giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp xuất khẩu. Thời gian thực hiện dự án là năm 2025 – 2026, các địa bàn triển khai dự án bao gồm Sóc Trăng, Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh.

Xây dựng mô hình sản xuất lúa chất lượng cao giảm phát thải

Dự án Xây dựng mô hình canh tác lúa – tôm hữu cơ có mục tiêu khai thác lợi thế sinh thái luân phiên giữa hai mùa (mùa mưa nước ngọt và mùa khô nước mặn) phù hợp cho phát triển mô hình lúa – tôm nhằm giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, cải thiện sinh kế cho nông dân. Nâng cao vai trò của hợp tác xã liên kết với tổ khuyến nông cộng đồng và doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Nâng cao nhận thức của người dân trong sản xuất nông nghiệp thuận thiên, giảm thiểu sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, từ đó giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững. Năm 2025 – 2026 sẽ triển khai dự án. Bạc Liêu và Cà Mau là hai địa phương thực hiện dự án.

Năm 2025 – 2027, 3 tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam sẽ thực hiện dự án Xây dựng mô hình sử dụng rơm rạ phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất lúa tại một số tỉnh đồng bằng sông Hồng. Dự án nhằm thúc đẩy ứng dụng cơ giới trong khâu quản lý rơm rạ bằng thiết bị cuộn rơm; phát triển kinh tế tuần hoàn bằng nghề trồng nấm ăn từ rơm; ủ rơm làm thức ăn cho chăn nuôi trâu bò; sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ rơm rạ, bã nấm…; tái sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất lúa nhằm giảm chi phí. Ngoài ra, nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng rơm rạ, góp phần nâng cao giá trị trong sản xuất lúa, tạo ra sản phẩm an toàn, giảm phát thải và bảo vệ môi trường.

Trong giai đoạn này, tại Trà Vinh và Bến Tre sẽ triển khai dự án Xây dựng mô hình mẫu sản xuất dừa theo tiêu chuẩn hữu cơ tại một số tỉnh duyên hải đồng bằng sông Cửu Long. Mục tiêu của dự án là chuyển giao tiến bộ kỹ thuật xây dựng vườn mẫu phục vụ xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu sản xuất dừa hữu cơ tập trung. Nâng cao năng lực, vai trò của hợp tác xã/tổ hợp tác liên kết với tổ khuyến nông cộng đồng và doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất, xây dựng nhãn hiệu hiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, tạo sản phẩm phục vụ ăn tươi và chế biến, xuất khẩu.

Dự án Xây dựng mô hình trồng, thâm canh cây na mới theo VietGAP tại một số tỉnh phía Bắc sẽ được triển khai tại Quảng Ninh và Bắc Giang trong 3 năm 2025 – 2027. Dự án nhằm chuyển giao đồng bộ tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất cây ăn quả (na) để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, rải vụ thu hoạch, giảm thiểu áp lực thị trường, kéo dài thời gian khai thác, nâng cao hiệu quả trong sản xuất na tại các vùng sản xuất na tập trung. Thúc đẩy các hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm gắn với tổ khuyến nông cộng đồng…

Lam An