Kinh tế xanh

Triển khai các giải pháp hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại COP26

Thứ năm, 13/10/2022 | 14:39 GMT+7
Tại họp báo thường kỳ quý III/2022 của Bộ Công Thương, lãnh đạo Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững đã chia sẻ thông tin liên quan đến việc triển khai kế hoạch hành động cho các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 trong lĩnh vực công thương.

Cụ thể, ông Tăng Thế Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững cho biết, ngay sau Hội nghị COP26, Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 do Thủ tướng làm trưởng ban và các Bộ trưởng của các Bộ liên quan là thành viên.

Lãnh đạo Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững thông tin, ngay từ tháng 4, Bộ Công Thương đã cùng với 4 Bộ khác ban hành kế hoạch hành động thực hiện cam kết tại hội nghị COP26. Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương nêu nhiệm vụ cho các đơn vị và các cơ quan liên quan xây dựng những chính sách và nhiệm vụ cụ thể của ngành về nội dung này.

Cụ thể, trong cơ cấu của phát thải khí nhà kính ngành công thương, nếu theo kịch bản phát triển thông thường, đến năm 2030, phát thải của ngành công thương chiếm đến khoảng 80% tổng phát thải quốc gia. Đây là thách thức lớn đối với ngành trong việc thực hiện triển khai cam kết COP26.

Triển khai các giải pháp hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại COP26

Theo đó, Bộ đã đưa vào các nội dung chính triển khai các cam kết tại COP26 nhằm giảm thải hiệu ứng nhà kính của ngành công thương bao gồm: sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; chuyển đổi mô hình nguồn cung năng lượng theo hướng xanh hơn, thúc đẩy phát triển năng lượng sạch, đặc biệt là năng lượng tái tạo. 

Đồng thời, nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới như công nghệ về lưu trữ carbon, nhiên liệu hydro xanh, nhiên liệu amoniac để sử dụng định lượng phát điện… Những phương án này đã được Bộ Công Thương xem xét và thể hiện trong các quy hoạch, chiến lược Bộ đang xây dựng như Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch điện VIII.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ cùng các Bộ, ngành xây dựng các quy định về  giảm phát thải nhà kính như xây dựng thị trường carbon, trong đó có việc xây dựng các khung pháp lý cho doanh nghiệp tham gia thị trường này đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả. Bộ Công Thương sẽ xây dựng quy định về báo cáo thẩm tra để tạo cơ chế giám sát trong hoạt động của thị trường.

Ông Tăng Thế Hùng thông tin thêm, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp các tổ chức quốc tế, xem xét, nghiên cứu, hướng dẫn doanh nghiệp để thực hiện các vấn đề về giảm thiểu dấu vết carbon, tạo thuận lợi trong kinh doanh xuất khẩu.

Cuối cùng, Bộ Công Thương sẽ xây dựng quy định về kiểm kê, chế độ đo đạc, báo cáo và thẩm tra kết quả giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời sẽ tiếp tục triển khai các chương trình tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực cho cộng đồng doanh nghiệp về các nội dung có liên quan để hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận các phương thức quản lý, giải pháp công nghệ kiểm soát phát thải khí nhà kính, từng bước tuân thủ quy định của pháp luật và quy định của quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính.

Cẩm Hạnh