Năng lượng tái tạo

Triển khai dự án năng lượng công nghệ khí hóa sinh khối

Thứ tư, 27/10/2021 | 17:26 GMT+7
Công nghệ khí hóa sinh khối có nhiều ưu điểm như: hiệu suất nhiệt cao; nguồn nguyên liệu sẵn có, thân thiện với môi trường; an toàn cho người sử dụng; góp phần giảm phát thải khí nhà kính, ô nhiễm môi trường và xử lý rác thải tại các vùng nông thôn…

Ngày 27/10, Trung tâm Nghiên cứu tư vấn sáng tạo và Phát triển bền vững phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thái Nguyên tổ chức hội thảo giới thiệu và lập kế hoạch triển khai dự án “Công nghệ khí hóa sinh khối - giải pháp năng lượng bền vững cho chế biến nông sản và quản lý chất thải ở nông thôn Việt Nam” (BEST) tại Thái Nguyên.

Các đại biểu đã được nghe giới thiệu và cách vận hành sản phẩm bếp đun sử dụng công nghệ khí hóa sinh khối. Công nghệ khí hóa sinh khối (VCBG) là sử dụng các phế phụ phẩm nông nghiệp sẵn có (mùn cưa, thân vỏ cây, vỏ lá cây…) tạo ra nguồn năng lượng sạch để chế biến thực phẩm, nông sản. 

Công nghệ này có nhiều ưu điểm như: hiệu suất nhiệt cao; nguồn nguyên liệu sẵn có, thân thiện với môi trường; an toàn cho người sử dụng; góp phần giảm phát thải khí nhà kính, ô nhiễm môi trường và xử lý rác thải tại các vùng nông thôn…

Ứng dụng công nghệ khí hóa sinh khối như một nguồn năng lượng tái tạo. (Ảnh minh họa)

Dự án BEST do Liên minh châu Âu tài trợ được thực hiện trong 4 năm từ 2020 - 2024 tại các tỉnh Thái Nguyên, Lào Cai, Tuyên Quang và Yên Bái. Dự án sẽ làm việc với 2.500 hộ chế biến nông sản, 100 doanh nghiệp cơ khí và 400 đơn vị cung ứng sinh khối. 

Dự án do Oxfam tại Việt Nam quản lý và phối hợp thực hiện cùng Trung tâm Nghiên cứu tư vấn sáng tạo và Phát triển bền vững (CCS). Tổng ngân sách của dự án là 3.041.813 Euro, trong đó Liên minh châu Âu tài trợ 80%, Oxfam tại Việt Nam và CCS đóng góp 20% ngân sách còn lại.

Mục tiêu của dự án là thúc đẩy chế biến nông sản bền vững và góp phần quản lý chất thải ở Việt Nam thông qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến nông sản siêu nhỏ, nhỏ và vừa ứng dụng công nghệ khí hóa sinh khối như một nguồn năng lượng tái tạo.

Đức Dũng