Triển khai hiệu quả Luật Tài nguyên nước góp phần đảm bảo an ninh nước

Thứ ba, 2/1/2024 | 15:02 GMT+7
Nhằm nghiên cứu những phương án, đề xuất triển khai thực hiện Luật Tài nguyên nước, mới đây, Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (KTTV&BĐKH) đã tổ chức hội thảo “Thúc đẩy nghiên cứu trong chương trình IHP phục vụ triển khai Luật Tài nguyên nước”.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà, Viện trưởng Viện Khoa học KTTV&BĐKH cho biết, giống với các quốc gia khác, Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm, suy thoái và cạn kiệt nguồn nước… Do đó, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); trong đó đề cao việc đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia, bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường, giảm thiểu rủi ro, tác hại từ các thảm họa do con người và thiên nhiên gây ra liên quan đến nước.

Bên cạnh đó, Luật đặc biệt nhấn mạnh nội dung xây dựng nền tảng công nghệ số hỗ trợ các cơ quan quản lý trong quá trình quyết định điều hòa, phân phối tài nguyên nước, vận hành hồ chứa, liên hồ chứa, giảm thiểu tác hại do nước trên các lưu vực sông bao gồm: lưu vực sông liên quốc gia, liên tỉnh, nội tỉnh… mang tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, cụ thể hóa quy hoạch.

Là một trong những đơn vị nghiên cứu đi đầu về KTTV, môi trường và BĐKH tại Việt Nam, Viện Khoa học KTTV&BĐKH xác định nhiệm vụ chính trong việc phát triển khoa học, bảo vệ, điều hòa, phân phối, khai thác sử dụng tài nguyên nước; phòng chống, khắc phục tác hại do nước gây ra. Viện cũng được giao nhiệm vụ là cơ quan đầu mối quốc gia của Chương trình thủy văn liên Chính phủ (IHP); các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu của Viện cần là nguồn nhân lực tiên phong chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi, truyền tải, phát triển định hướng nghiên cứu trong thời gian tới để đảm bảo gắn kết các chương trình của IHP qua việc triển khai Luật Tài nguyên nước, cũng như cần có hướng tiếp cận liên ngành để đóng góp ý kiến về vấn đề an ninh nguồn nước, làm căn cứ dự báo được lượng nước, kinh tế nước, xã hội hóa...

Đảm bảo an ninh nước

Về chương trình IHP phục vụ triển khai Luật Tài nguyên nước, bà Trần Thanh Thủy, Viện Khoa học KTTV&BĐKH thông tin, các chương trình nghiên cứu của IHP ưu tiên tại Việt Nam bao gồm: thúc đẩy, phát triển, áp dụng các công cụ, cách tiếp cận có cơ sở khoa học để quản lý nước bền vững, quản lý rủi ro thiên tai, giải quyết các thách thức về an ninh nước; tăng cường quản trị nước để giảm nhẹ, thích ứng và chống chịu; tiến hành nghiên cứu thủy văn sinh thái, đánh giá tác động của các giải pháp dựa vào tự nhiên và chu trình nước.

Để tăng cường năng lực thể chế và con người trong chính sách, quản lý nước ngọt, năng lực của các chuyên gia và kỹ thuật viên lành nghề trong giáo dục đại học, dạy nghề liên quan đến nước, cần xác định những lỗ hổng chính sách trong quản lý nước bền vững, từ đó cung cấp các công cụ thích hợp giải quyết những lỗ hổng trên. Chú trọng vào quản trị tài nguyên nước, hướng đến phát triển bền vững nguồn tài nguyên quý giá này.

Bên cạnh đó, các chương trình nghiên cứu cũng hướng đến nâng cao nhận thức thông qua các hệ thống giáo dục, thúc đẩy văn hóa mới về nước cho đông đảo chuyên gia về nước và cộng đồng các nhà khoa học, trong đó có cả thanh niên và những người ra quyết định ở những lĩnh vực khác nhau trong việc quản lý tài nguyên nước.

Ở châu Á, mô hình quản trị tài nguyên nước của Nhật Bản và Hàn Quốc được đánh giá là tương đối phù hợp với Việt Nam. Theo hình thức quản lý nước thông thường, chủ thể quản lý đưa ra các quy định quản lý với hướng tiếp cận từ trên xuống; đối với quản trị thì các quyết định được ban hành theo hướng tiếp cận dựa trên nhu cầu từ dưới lên, kết hợp thực tiễn từ địa phương hoặc theo lưu vực sông để ban hành thể chế áp dụng tương ứng, phù hợp.

Tại hội thảo, các chuyên gia cùng thống nhất rằng, dựa trên cơ sở của chương trình IHP phục vụ triển khai Luật Tài nguyên nước, Quy hoạch tài nguyên nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 liên quan đến Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia cần thiết lập và hoàn chỉnh mạng lưới quan trắc chất lượng nước, hệ thống cơ sở dữ liệu về chất lượng nước trên 15 lưu vực sông lớn. Các bên cần nnghiên cứu lập bản đồ nguy cơ về ngập lũ, hạn hán, khoanh định các vùng có nguy cơ xói lở bờ; phối hợp địa phương để xây dựng kế hoạch bảo vệ nguồn nước. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên nước từ Trung ương đến địa phương phải được xây dựng đồng bộ với hệ thống thông tin quốc gia, tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin minh bạch trong xây dựng và hoạch định chính sách quản lý tài nguyên nước các lưu vực sông trên toàn quốc, thích ứng với BĐKH và nước biển dâng…

Khánh An (T/H)