Triển khai nhiệm vụ phát triển bền vững ngành thủy lợi Việt Nam

Thứ năm, 25/8/2022 | 15:15 GMT+7
Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày truyền thống ngành thủy lợi Việt Nam (28/8/1945 - 28/8/2022), đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã đề xuất nhiều nhiệm vụ trong thời gian tới để bảo đảm thủy lợi phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.

Tại buổi lễ nhân kỷ niệm 77 năm Ngày truyền thống ngành thủy lợi Việt Nam, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết: Đến nay, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thủy lợi đã cơ bản được hoàn thiện. Thời gian tới, Tổng cục tiếp tục phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan để xây dựng Luật về nước sạch nông thôn.

Qua thống kê, hiện có khoảng 50 quy hoạch phát triển thủy lợi đã được phê duyệt. Đáng chú ý nhất là Quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ NN&PTNT xây dựng, với mục tiêu đặt ra là cân đối nguồn nước trên phạm vi toàn quốc.

Về vấn đề đầu tư công trung hạn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi chia sẻ, trong giai đoạn tới, ngân sách Trung ương sẽ bố trí 60.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, trong đó ưu tiên sửa chữa, nâng cấp, hoàn thiện các công trình hồ chứa đã cũ, bị hư hỏng, xuống cấp; hoàn thiện hệ thống kênh mương, các công trình thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long, cây trồng có giá trị kinh tế cao tại Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và miền núi phía Bắc.

Đặc biệt, ngân sách Trung ương cũng dành 1.500 tỷ đồng để đầu tư các công trình, hệ thống cấp nước sinh hoạt nhằm giải quyết các “điểm nóng” thiếu nước sinh hoạt tại đồng bằng sông Cửu Long và miền núi phía Bắc.

Phát triển bền vững ngành thủy lợi trong đó đầu tư các công trình, hệ thống cấp nước sinh hoạt

Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh 5 nhiệm vụ cần tập trung triển khai trong thời gian tới.

Cụ thể, về công tác thủy lợi, cần rà soát toàn bộ những nơi có thể đầu tư xây dựng các đập trữ nước trong quá trình xây dựng đề án Bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước. Giải pháp tối ưu hiện nay là tập trung nguồn lực để nâng cấp các hồ chứa hiện tại nhằm nâng dung tích trữ nước và khả năng cắt lũ. Xây dựng các đập dâng nước trên các hệ thống sông ở những nơi không có hồ đập; đầu tư hệ thống chuyển nước từ nơi thừa nước sang nơi thiếu nước.

Nghiên cứu các vấn đề liên quan đến thoát lũ, phòng chống lũ và ngập lụt cho cả đô thị và khu vực công nghiệp.

Khai thác hiệu quả các hệ thống thủy lợi đã có, nhất là nghiên cứu, sửa chữa, nâng cấp các hệ thống thủy lợi do người Pháp để lại để nâng cao hiệu quả vận hành, đảm bảo phục vụ tưới tiêu tốt hơn.

Trong trung hạn 2021 - 2025, cần giải quyết dứt điểm các vấn đề nóng của quốc gia như: vấn đề nước sạch nông thôn cho 100.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt do ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn cuối năm 2019, đầu năm 2020; giải quyết vấn đề thiếu nước tại “lục khu” Cao Bằng cũng như ở huyện Mường Nhé (Điện Biên). 

Mặt khác, trước tình trạng các trường đại học đào tạo chuyên ngành thủy lợi khó thu hút sinh viên, Bộ NN&PTNT đã đề xuất miễn học phí cho một số chuyên ngành ưu tiên, khó tuyển sinh. Đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp trong ngành và nhà hảo tâm ủng hộ để hình thành quỹ học bổng, giúp các sinh viên trang trải sinh hoạt trong quá trình học tập.

Hy vọng rằng, với những nỗ lực nêu trên, chúng ta sẽ giải quyết được tận gốc những bất cập trong lĩnh vực thủy lợi, cùng hướng đến phát triển bền vững trong tương lai, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nói.

Phương An