Kinh tế xanh

Triển khai xây dựng kinh tế tuần hoàn bền vững cho rác thải nhựa

Thứ sáu, 10/2/2023 | 12:54 GMT+7
Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng phối hợp với Tổ chức iDE tổ chức báo cáo kết quả thực hiện trong năm 2022 và thống nhất kế hoạch năm 2023 đối với dự án “Xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn bền vững cho rác thải nhựa tại Việt Nam”.

Dự án do Cơ quan Phát triển quốc tế Đan Mạch (Danida) thông qua Tổ chức iDE tài trợ. Với tổng mức kinh phí hơn 34 tỷ đồng, dự án có thời gian thực hiện 3 năm, từ 2022 đến 2024. Dự án đặt mục tiêu tạo công ăn việc làm cho khoảng 750 nhân viên ở các điểm thu gom, trung chuyển hoặc đơn vị phân loại rác; 750 người thu mua, nhặt rác tăng thu nhập thông qua các mối liên kết tốt hơn với thị trường; nâng tỷ lệ thu hồi nhựa ở địa bàn dự án lên mức 35% nhằm tránh lượng rác thải nhựa này có khả năng trôi ra đại dương; 1 mô hình tái chế phù hợp và 125 cửa hàng thu gom rác tại Đà Nẵng. Qua đó, đóng góp tích cực cho việc thực hiện Đề án Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường cũng như công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, quản lý rác thải nhựa của thành phố.

Họp thống nhất kế hoạch năm 2023 đối với dự án “Xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn bền vững cho rác thải nhựa tại Việt Nam”

Tại buổi làm việc, Tổ chức iDE cho biết, năm 2022, Ban quản lý dự án đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường 3 quận Thanh Khê, Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn để triển khai hướng dẫn và tư vấn một số cơ sở, hộ kinh doanh thu mua phế liệu và tái chế rác thải nhựa các thủ tục về phòng cháy chữa cháy và quy trình cấp giấy đăng ký kinh doanh; tập huấn về phân loại rác thải nhựa và cung cấp thông tin về kinh doanh có trách nhiệm.... Ban quản lý dự án cũng đã kết nối và thu gom 7,5 tấn rác thải nhựa dùng một lần, đưa đến 1 cơ sở tái chế nhựa...

Đại diện Tổ chức iDE cho biết, trong năm 2023, Ban quản lý dự án sẽ phối hợp với các địa phương, đơn vị thực hiện các giải pháp nhằm tăng 10,5% tỷ lệ thu hồi nhựa từ các loại rác thải nhựa; tiếp tục kết nối 300 người thu gom rác thải nhựa với các đơn vị thu gom, tái chế nhằm tăng thu nhập hàng ngày cho người lao động; tập huấn cho 100 cửa hàng thu gom về kinh doanh có trách nhiệm và kinh doanh ngành nhựa để bán thông qua các đối tác thương mại và những cơ sở thu mua khác; hỗ trợ, kết nối các đối tác thương mại trong dự án tham gia hội thảo, triển lãm quốc tế… nhằm tìm kiếm cơ hội, thúc đẩy tăng nhu cầu đầu ra cho các sản phẩm nhựa tái chế.

Ngọc Huyền