Môi trường (old)

Triển lãm quốc tế về ngành nhựa và cao su

Thứ năm, 28/11/2019 | 09:25 GMT+7
Ngày 27/11, Triển lãm quốc tế lần thứ 8 về công nghệ, nguyên phụ liệu và thiết bị máy móc ngành nhựa và cao su Việt Nam chính thức diễn ra tại Trung tâm Triển lãm quốc tế (I.C.E Hanoi) số 91 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Theo Ban tổ chức, Triển lãm có sự tham dự của 200 đơn vị uy tín đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Sự kiện quy tụ sự tham gia của 6 nhóm gian hàng quốc tế đến từ Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Qatar, Áo và Ý – được kỳ vọng sẽ đem đến nhiều sản phẩm công nghệ và thiết bị máy móc, linh kiện, nguyên phụ liệu… phục vụ cho sản xuất và chế biến nhựa – cao su Việt Nam.

Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2007, triển lãm hai năm một lần - Plastics & Rubber Vietnam là diễn đàn thương mại đáng tin cậy cho ngành công nghiệp nhựa và cao su tại Việt Nam. Triển lãm quốc tế lần thứ 8 về công nghệ, nguyên phụ liệu và thiết bị máy móc ngành Nhựa và Cao su Việt Nam, do Công ty Informa Markets (Vietnam) và công ty Messe Düsseldorf Asia phối hợp tổ chức, diễn ra từ ngày 27 – 29/11, tại Hà Nội. Với mong muốn đem lại cho ngành nhựa một góc nhìn kinh tế mới mẻ và đa chiều, trong ngày 28/11 sẽ diễn ra hội thảo “Kinh tế tuần hoàn – Công thức tăng trưởng bền vững của ngành nhựa”; ngày 29/11 là hội thảo “Vận hành và hạch toán kinh tế cho dự án phát triển sản phẩm nhựa”.

Triển lãm quốc tế ngành nhựa và cao su quy tụ nhiều đơn vị uy tín trên thế giới. (Ảnh: VOV)

Ở những quốc gia phát triển trên thế giới, công nghệ tái chế nhựa được chú trọng đầu tư và tỷ lệ rác thải nhựa gần như đạt mức tối đa. Cụ thể, Na Uy là quốc gia đi đầu trong phong trào tái chế chất thải nhựa hiện nay. Theo báo cáo của Tổ chức tái chế nhựa Infinitum, Na Uy có khả năng tái chế 97% chai nhựa, trong đó có đến 92% sản phẩm nhựa tái chế có thể quay lại vòng đời là nhựa chất lượng cao. Tỷ lệ nhựa không thể tái chế đạt ở mức rất thấp, chỉ có 1% nhựa không thể tái chế, đảm bảo an toàn để thải ra môi trường. Trung bình, một sản phẩm nhựa tại đất nước này có thể tái sử dụng hơn 50 lần. Bên cạnh đó, các quốc gia khác cũng đứng đầu trong danh sách các nước có tỷ lệ tái chế cao như: Thụy Điển (97-99%), Đức (65-86%), Bỉ (80-84%)…

Trong khi đó, Việt Nam mỗi năm tạo ra hơn 81 triệu tấn nhựa, tính riêng TP.HCM và Hà Nội khoảng 80 tấn chất thải nhựa và nilon thải ra môi trường mỗi ngày. Tuy nhiên, chỉ 27% túi nhựa được thu gom và tái chế đúng cách. Ô nhiễm chất thải nhựa đang trở thành một trong những vấn đề cấp thiết, đòi hỏi sự nỗ lực chung tay từ Chính phủ, cơ quan ban ngành và doanh nghiệp. Khi tỷ lệ phân loại chất thải tại nguồn rất thấp, công nghệ lỗi thời dẫn đến hiệu quả thấp, chi phí cao và gây ô nhiễm môi trường – ngành nhựa cần có một cuộc cách mạng lớn để cải tiến và đầu tư nghiêm túc vào công nghệ và thiết bị cho ngành tái chế. 

PV