Nỗ lực vượt khó
Ông Nguyễn Duy Ngọ - Giám đốc Truyền tải điện Phú Yên - cho biết, đơn vị hiện đang quản lý, vận hành 189km đường dây 220kV, 46km đường dây 110kV, 1 trạm biến áp 220kV với công suất đặt 250MVA nằm trên địa bàn 7 huyện, thành phố và 29 xã, thị trấn của tỉnh Phú Yên.
Do địa bàn rộng, địa hình phức tạp, hầu hết đường dây đi qua khu vực đèo núi, rừng, ven biển, vùng nhiễm mặn, phèn chua gây gỉ sét, ăn mòn máy móc, thiết bị. Nhiều tuyến đường dây giao chéo với nhiều đường đất, gần công trường khai thác đá, mức độ ô nhiễm cao; không có đường công vụ phục vụ quản lý vận hành nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, về mùa mưa, trên địa bàn thường có mật độ giông sét cao rất dễ gây sự cố lưới điện. Còn mùa khô, lưới điện lại đối mặt với sự cố do vi phạm hành lang an toàn lưới điện (HLATLĐ) do người dân đốt thực bì làm rẫy hoặc đốt lá mía sau thu hoạch.
Ông Nguyễn Duy Ngọ - Giám đốc Truyền tải điện Phú Yên: Truyền tải điện Phú Yên cam kết quản lý vận hành lưới điện an toàn, hiệu quả; bảo đảm cấp điện liên tục phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng.
|
Bên cạnh đó, Phú Yên là tỉnh đang phát triển nên trong thời gian gần đây, có nhiều công trình hạ tầng như hầm Đèo Cả, nâng cấp quốc lộ 25... giao chéo và đi gần đường dây có nguy cơ vi phạm HLATLĐ. Do đó, đơn vị phải thường xuyên theo dõi kịp thời phát hiện ngăn chặn khi có vi phạm. Mặc dù khối lượng đường dây không quá lớn, sản lượng điện truyền tải năm 2017 được giao chỉ ở mức gần 500 triệu kWh nhưng Truyền tải điện Phú Yên với 47 người bao gồm cả lãnh đạo quản lý, kỹ thuật, nhân viên văn phòng... vẫn kiêm nhiệm nhiều công việc bảo đảm lưới điện vận hành an toàn, hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực lân cận.
Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng
Theo ông Nguyễn Duy Ngọ, để nâng cao chất lượng công tác quản lý vận hành, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm hạn chế tối đa sự cố, kéo giảm tổn thất điện năng, giảm điện tự dùng, tăng cường đào tạo nâng cao ý thức trách nhiệm, chuyên môn tay nghề của cán bộ, công nhân viên, tuyên truyền bảo vệ HLATLĐ...
Cụ thể, đơn vị thực hiện tốt việc thống kê, theo dõi sự cố ở các cung đoạn thường xuyên có sự cố lặp lại, phân tích nguyên nhân, rút kinh nghiệm, đồng thời đề ra các biện pháp khắc phục; xây dựng kế hoạch kiểm tra thường xuyên để phát hiện kịp thời khiếm khuyết đường dây; theo dõi cập nhật tình hình thời tiết, môi trường vận hành để lập phương án vệ sinh, thay thế cách điện, tăng cường đưa công nghệ rửa sứ hotline; sửa chữa bảo dưỡng hệ thống máy móc, thiết bị, tiếp địa đường dây chống sét; tích cực phối hợp với công an, chính quyền và nhân dân địa phương thực hiện Quy chế phối hợp bảo vệ lưới điện cũng như tuyên truyền bảo vệ HLATLĐ.
Liên quan đến kế hoạch năm 2017, đối với đường dây đơn vị sẽ bổ sung cách điện 109 vị trí (VT), kiểm tra kỹ thuật, vệ sinh sứ, bảo dưỡng phụ kiện 148 VT; xử lý tiếp địa hư hỏng, gỉ sét 34 VT, gia cố móng trụ 27 VT; phát quang hành lang 48 khoảng cột (19.264m2). Đối với trạm biến áp, sẽ triển khai 2 đợt nhằm xử lý tồn tại, vệ sinh bảo dưỡng thiết bị các ngăn lộ. Bên cạnh đó, sẽ tổ chức thực hiện 3 đợt tuyên truyền bảo vệ lưới điện kết hợp giao lưu văn nghệ, sửa chữa điện miễn phí cho các hộ dân nghèo, tặng sách vở cho học sinh nghèo tại một số xã thuộc huyện Sơn Hòa, Sông Cầu. “Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ vào quản lý vận hành thông qua các phần mềm quản lý kỹ thuật, dữ liệu đo đếm... rửa sứ hotline, kiểm tra thiết bị bằng thiết bị bay flycam” - ông Nguyễn Duy Ngọ nhấn mạnh.