Doanh nghiệp - Doanh nhân

Đề xuất giải pháp khủng hoảng truyền thông VFF

Thứ ba, 4/12/2018 | 11:19 GMT+7
Ngày 3/12/2018, tại Hội Nhà báo thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra chương trình: “Bàn luận về vấn đề truyền thông của VFF và giải pháp quản trị khủng hoảng”.

Chương trình do nhà báo Lương Hoàng Hưng (Tổng biên tập Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo) - ứng cử viên vị trí Phó Chủ tịch phụ trách Truyền thông và Đối ngoại VFF và các diễn giả: ông Lê Hải Bình, Chủ tịch công ty Mắt Bão; ông Trần Giang Khuê, Phó trưởng đại diện VPDD Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM; Luật sư Phan Vũ Tuấn, giám đốc Công ty luật Phanlaw cùng trao đổi.

Giải pháp cụ thể mà ông Hưng đưa ra là cần tập trung nâng cấp website của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam thành một cổng thông tin thật sự với công nghệ 4.0 có cả ứng dụng App cho điện thoại di động. Đồng thời, bên cạnh ngôn ngữ tiếng Việt, website của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cần phải được truyền tải bằng những ngôn ngữ quan trọng khác (đặc biệt là tiếng Anh), nhằm giới thiệu hình ảnh bóng đá VN ra thế giới.

Ông Lương Hoàng Hưng

Không chỉ là đẩy mạnh truyền thông, ông Hưng còn đưa ra giải pháp ứng dụng công nghệ blockchain vào quản lý để giảm tiêu cực, tăng tính minh bạch và tối đa hóa hiệu quả quản lý cho các hoạt động của VFF.

Nhằm giảm tiêu cực về nạn “vé chợ đen” và giải quyết trường hợp “kẹt mạng” trong trường hợp VFF tổ chức bán vé online, công nghệ blockchain sẽ có đủ mọi thông số như: tổng số vé sẽ được bán ra cho người hâm mộ, số vé bán được, số vé tồn, và có thể cho hiển thị một phần thông tin của khách hàng đã mua được vé. Hoạt động bán vé điện tử sẽ tạo thuận lợi và niềm tin cho người hâm mộ. Do vậy, sẽ góp phần đưa bóng đá Việt Nam hấp dẫn khán giả nhiều hơn.

Về vấn đề xử lý truyền thông, ông Hưng cho rằng VFF cần phải thường xuyên tiếp xúc với các cơ quan báo chí, cũng như những người hoạt động trong giới truyền thông để tạo sự thân thiện, cũng như giúp họ cập nhật thông tin mới nhất về hoạt động của Liên đoàn bóng đá Việt Nam, của công ty cổ phần Bóng đá Việt Nam cũng như của các CLB bóng đá Việt Nam.

Cũng trong khuôn khổ chương trình, các diễn giả đã đề cập đến vấn đề tài sản trí tuệ trong bóng đá. "Thương hiệu bóng đá Việt Nam" chính là tài sản trí tuệ.

“Đội Manchester United không phải là đội bóng mạnh nhất, cũng không phải là đội đứng đầu giải Ngoại hạng Anh, tuy nhiên, có tài sản trí tuệ hàng đầu nước Anh, vượt ra biên giới hơn cả Real Madrid, Bacerlona” - ông Trần Giang Khuê, Phó trưởng đại diện VPDD Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM - cho biết.

Chúng ta cần phải "thương mại hóa" các tài sản trí tuệ. Và, thông qua quảng bá truyền thông để tạo nguồn tài chính cho hoạt động của VFF và bóng đá Việt Nam.

Chúng ta có rất nhiều tài sản trí tuệ cần "thương mại hóa", nhưng chưa được khai thác triệt để được như: Bản quyền hình ảnh đội tuyển Việt Nam, U23 Việt Nam, quần, áo, giày, hình cầu thủ, biểu trưng đội tuyển, thương hiệu VFF và của các CLB, bản quyền truyền hình, ca khúc bóng đá, các game show…

Các diễn giả phát biểu tại chương trình.

Cũng liên quan đến vấn đề này, luật sư Phan Vũ Tuấn, giám đốc Công ty luật Phanlaw - cho rằng, vấn đề trung thực trong bản quyền bóng đá, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của chủ sở hữu là rất quan trọng. Mới đây, Công ty Cổ phần giải pháp truyền hình Thế hệ mới (Next Media) và Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ Green Lotus (Green Lotus) đã kết hợp mua bản quyền phát sóng giải đấu AFF Suzuki Cup 2018 trong lãnh thổ Việt Nam trên nền tảng trả tiền. Trong khuôn khổ giải đấu AFF Suzuki Cup 2018 có nhiều trận đấu đã diễn ra, các đơn vị truyền hình trả tiền như K+, HTVC, MyTV và Viettel TV đều tuân thủ nghiêm túc bản quyền của Next Media và Green Lotus. Cụ thể, các đài này đã tắt kênh VTV6, VTV5 mà chỉ tiếp phát sóng VTC3 và Bóng đá TV - là các kênh được Next Media cấp quyền. Tuy nhiên, có một số đơn vị truyền hình Trả tiền khác, trong đó có SCTV đã vi phạm bản quyền của Next Media khi cố tình tiếp phát sóng các kênh VTV6/VTV6HD và VTV5/VTV5HD là các kênh chưa được Next Media cấp quyền. Việc làm này của SCTV là hành vi xâm phạm trực tiếp đến quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời gây tổn hại uy tín và thiệt hại kinh tế của Next Media và Green Lotus.

Theo ông Tuấn, để giải quyết vi phạm bản quyền, việc quan trọng nhất là đơn vị sở hữu bản quyền phải có nhiều giải pháp để có thể cho phép càng nhiều người càng tốt được xem các trận đấu một cách hợp pháp. Những bên nào có quyền cần hợp tác với nhau để đảm bảo đưa “sóng sạch” đến cho nhiều người, từ đó hạn chế vi phạm bản quyền.

Được biết, ông Hưng có gần 30 năm hoạt động trong lĩnh vực truyền thông tại các cơ quan báo chí lớn của trung ương và TP.HCM. Ông cũng là người đồng hành cùng các hoạt động tạo hiệu ứng tốt từ các tổ chức: Liên hiệp Khoa học Doanh nhân Việt Nam, Câu lạc bộ Quản trị và Khởi nghiệp, Câu lạc Doanh nhân Khánh Hòa - Sài Gòn,… Khi còn công tác tại báo Sài Gòn Giải Phóng, là thành viên Ban tổ chức Quả Bóng Vàng Việt Nam, BTC của Giải Bóng đá Mini ĐBSCL.

Ngân Anh