Năng lượng mặt trời

Ước mơ chinh phục nguồn năng lượng tái tạo của chàng tiến sĩ 9x Việt Nam

Thứ bảy, 25/1/2020 | 10:17 GMT+7
Mới chỉ 30 tuổi nhưng Tiến sĩ Nguyễn Duy Tâm (ĐH Nanyang, Singapore) đã bước đầu có thành công trong nghiên cứu, góp phần khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng xanh.

TS Nguyễn Duy Tâm trong phòng nghiên cứu pin vanadium. (Ảnh: NVCC)

Nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, TS Nguyễn Duy Tâm đã có những chia sẻ với Tạp chí Năng lượng Sạch Việt Nam.

Vì sao Tâm lại lựa chọn lĩnh vực năng lượng để nghiên cứu đặc biệt là năng lượng tái tạo (NLTT)?

Nói đúng hơn thì mình đã may mắn có cơ hội được tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu các vật liệu và công nghệ phục vụ lưu trữ và chuyển đổi NLTT.

Định hướng theo sự nghiệp nghiên cứu của mình bắt đầu trong quá trình theo học tại ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội, khi mình được GS.TS. Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, và các thầy, cô giáo trong Khoa Vật lý Kỹ thuật và Công nghệ nano dìu dắt, bắt đầu bằng việc tham gia các dự án nghiên cứu khoa học sinh viên. Sau khi tốt nghiệp, mình nhận được học bổng Nghiên cứu sinh toàn phần cho 4 năm tại Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), Singapore.

Tại đây, dưới sự hướng dẫn của các giáo sư quản lý, mình bắt đầu tham gia vào các dự án nghiên cứu về khoa học và kỹ thuật vật liệu, với định hướng phục vụ việc khai thác và sử dụng hiệu quả năng lượng. Sau khi trúng tuyển vào dự án nghiên cứu về pin oxy hóa – khử vanadium, mình chính thức bước chân vào lĩnh vực nghiên cứu các công nghệ vật liệu mới nhằm lưu trữ, chuyển đổi và sử dụng hiệu quả năng lượng cho đến nay.

Nguyễn Duy Tâm báo cáo tại Hội nghị Melbourne, Úc. (Ảnh: NVCC)

Tâm có thể chia sẻ kỹ hơn về các dự án bạn đang nghiên cứu không?

Hiện nay, mình đã và đang thực hiện ba dự án chính: pin oxy – hóa khử vanadium, vật liệu xúc tác phản ứng tách nước, và công nghệ cửa sổ thông minh. Tất cả đều hướng đến việc khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng nhằm đảm bảo an ninh năng lượng toàn cầu.

Như chúng ta đã biết, dù còn có nhiều tranh cãi, tác động của lượng phát thải CO2 của việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch đối với Trái đất đang ngày càng hiện rõ, cụ thể là hiệu ứng nóng lên toàn cầu. Trong bối cảnh đó, nhu cầu năng lượng thế giới được dự đoán sẽ tăng thêm 56% đến năm 2040 (theo International Energy Outlook). Và nếu không có gì được cải thiện thêm, lượng khí thải CO2 sẽ tăng thêm 46% vào thời điểm đó. Điều này tạo ra một áp lực cực lớn trong việc đảm bảo an ninh năng lượng đồng thời giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Để giải quyết tình hình trên, các nhà khoa học về năng lượng đang theo đuổi có 2 xu hướng nghiên cứu chính. Thứ nhất, đó là tìm ra công nghệ lưu trữ và chuyển đổi năng lượng mới, trong đó NLTT được xem là tiềm năng nhất hiện tại. Dù có lợi thế về trữ lượng và ko phát thải CO2, nhưng việc khai thác NLTT vẫn chưa thực sự hiệu quả do đặc tính không liên tục, phi ổn định của nó, đòi hỏi phải phát triển thêm các công nghệ lưu trữ và chuyển đổi khác. Trong đó, dự án nghiên cứu pin vanadium có mục tiêu phát triển các hệ thống lưu trữ quy mô lớn nhằm ổn định hóa nguồn NLTT. Dự án vật liệu xúc tác phản ứng tách nước liên quan đến việc chuyển đổi nguồn NLTT thành nhiên liệu hydro nhằm sử dụng cho các động cơ, tế bào nhiên liệu ko phát thải CO2, cũng là một phương thức khác để ổn định hóa nguồn NLTT.

Bên cạnh đó, hướng nghiên cứu thứ 2 dù ít được chú ý hơn nhưng vẫn đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng toàn cầu. Đó là sử dụng hiệu quả, tiết kiệm các nguồn năng lượng tạo ra. Trong đó, dự án cửa sổ thông minh mà hiện tại mình đang trực tiếp thực hiện có mục đích giảm thiểu lượng điện năng cần sử dụng để điều hòa không khí (làm mát vào mùa hè và giữ ấm vào mùa đông) và đảm bảo chiếu sáng của các cao ốc hiện đại ngày nay, vốn chiếm đến 30-40% lượng điện năng tiêu thụ toàn cầu.

TS Tâm báo cáo dự án tại Singapore. (Ảnh: NVCC)

Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước đang quan tâm, đầu tư vào lĩnh vực NLTT, với những nghiên cứu ở nước ngoài, bạn có chia sẻ gì về vấn đề này?

An ninh năng lượng là một trong các yếu tố then chốt đảm bảo sự phát triển bền vững của mọi quốc gia trên toàn thế giới. Điều này đặc biệt đúng đối với một quốc gia đang trên đà phát triển nóng như Việt Nam. Mình hoàn toàn ủng hộ quyết định nàu. Tuy nhiên, mình đánh giá đó cũng là một quyết định đầy “dũng cảm” và mạo hiểm bởi các yếu tố về tiềm năng, rủi ro và thách thức của việc khai thác và sử dụng NLTT ở Việt Nam vẫn chưa được giải đáp đầy đủ và thỏa đáng.

Việc phát triển NLTT tại Việt Nam theo mình nghĩ cần phải quan tâm tới một loạt các vấn đề như: công nghệ, nhân lực nội địa, hệ thống lưới điện và cơ sở hạ tầng truyền tải, các giải pháp lưu trữ, chuyển đổi và kết hợp các công nghệ NLTT, tác động môi trường…

Năm Canh Tý sắp tới, bạn có thể “bật mí” dự định tương lai của bạn được không?

Trong tương lai gần, mình sẽ tiếp tục cố gắng tìm cơ hội để tham gia vào các dự án nghiên cứu khác ở một môi trường nghiên cứu mới. Mình hiểu rằng những gì mình đã đạt được vẫn còn vô cùng nhỏ bé so với thế giới bên ngoài. Còn quá nhiều tri thức, quá nhiều khám phá mình cần phải học hỏi, trau đồi và nghiên cứu thêm để cải thiện tầm hiểu biết của bản thân. Và tương lai xa, mình sẽ trở về làm việc trong nước để được trực tiếp truyển tải những gì mình đã học được ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, mình cũng sẽ dành thời gian rảnh rỗi của mình để hỗ trợ các dự án nghiên cứu trong nước mà mình đang nhận làm cố vấn, cả về khoa học, công nghệ lẫn giáo dục, hướng nghiệp. Mình hi vọng mình có thể giúp Việt Nam tiếp cận được với nhiều nghiên cứu, công nghệ mới nhất trên thế giới, giúp cải thiện tình hình nghiên cứu, phát triển khoa học - kỹ thuật ở trong nước.

Xin cảm ơn bạn! Chúc bạn và gia đình năm mới vạn sự như ý!

Tiến sĩ Nguyễn Duy Tâm sinh năm 1990 tại Quảng Bình. Tốt nghiệp khoa Vật lý Kỹ thuật và Công nghệ Nano, ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội.

Sau khi nhận học bổng nghiên cứu sinh tại ĐH Công nghệ Nanyang, Nguyễn Duy Tâm sang Singapore, học tập và nghiên cứu từ năm 2013 tới nay.

Hiện tại, Nguyễn Duy Tâm đang tiếp tục làm Nghiên cứu sau Tiến sĩ tại Trường Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu của ĐH Công nghệ Nanyang. Năm 2019 Tâm nhận Giải thưởng bài thuyết trình xuất sắc nhất tại Hội nghị Materials Oceania, Melbourne, Australia.

Trong 4 năm nghiên cứu sinh, Tâm đã tìm cách tối ưu hóa thành công độ ổn định nhiệt cho pin oxy hóa - khử Vanadium, loại pin phục vụ lưu trữ năng lượng quy mô lớn.

Hiện TS Tâm kết nối và tư vấn cho Dự án NLTT phục vụ nông nghiệp ở Việt Nam để chuyển giao các công nghệ NLTT từ nước ngoài về Việt Nam, thay vì đi mua với giá cao.

 

Thanh Phương (thực hiện)