Tin hoạt động hiệp hội

VCEA luôn sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư dự án điện gió tại Quảng Trị

Thứ năm, 8/9/2022 | 16:10 GMT+7
Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam (VCEA) luôn sẵn sàng tạo điều kiện và trợ giúp để các doanh nghiệp đầu tư dự án điện gió tại tỉnh Quảng Trị phát triển hơn nữa.

Ngày 7/9, tại Quảng Trị, Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị phối hợp với báo Công Thương tổ chức hội thảo “Quảng Trị: Hiện thực hóa tầm nhìn trung tâm năng lượng miền Trung”. TS. Nguyễn Như Chinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam đã có bài tham luận tại hội thảo. Tạp chí Năng lượng Sạch Việt Nam xin giới thiệu bài tham luận của TS. Nguyễn Như Chinh.

Từ những đợt gió Lào nóng bỏng đến các cơn gió mùa hun hút khiến vùng miền núi phía Tây tỉnh Quảng Trị ngày càng khô cằn, khắc nghiệt. Thế nhưng, giờ đây những cơn gió ấy đang biến vùng đất này thành “thủ phủ” điện gió của khu vực Bắc miền Trung. Những cơn gió gần như quanh năm và tốc độ gió đạt trung bình 6 – 8m/s đang trở thành tiềm năng lớn của địa phương này. 

Nắm bắt lợi thế tự nhiên, nhận thấy tiềm năng, triển vọng, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã tích cực đi nghiên cứu kinh nghiệm, quyết tâm thúc đẩy, quảng bá, đưa ra các dự án năng lượng tái tạo. Và những nhà đầu tư tiên phong đó là Tập đoàn Tân Hoàn Cầu với dự án Điện gió Hướng Linh 2 và Tổng công ty Phát điện 2 với dự án Điện gió Hướng Phùng đã đặt nền móng niềm tin vững chắc cho điện gió Quảng Trị.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có 19 dự án điện gió đi vào vận hành thương mại, với tổng công suất 671,1 MW. Bên cạnh đó, còn 12 dự án đang trển khai thi công. Tiềm năng thu hút đầu tư điện gió ở Quảng Trị vẫn còn rất lớn. Ngoài 31 dự án điện gió đã đi vào hoạt động và đang triển khai xây dựng, tỉnh còn nhiều dự án đang trình Bộ Công Thương nghiên cứu, xem xét, bổ sung vào quy hoạch.

Sự phát triển của điện gió đã thay đổi đáng kể diện mạo khu vực phía Tây tỉnh Quảng Trị; góp phần tăng thu ngân sách (các dự án điện gió đóng góp vào ngân sách tỉnh 1.200 tỷ đồng năm 2021), tạo việc làm thường xuyên cho lao động địa phương.

Các nhà đầu tư điện gió cũng đã mở trên 80 km đường giao thông công vụ phục vụ thi công dự án điện gió trị giá 800 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành dự án, 80 km đường giao thông công vụ này được bàn giao cho các địa phương quản lý, sử dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. 

Các nhà máy điện gió đi vào hoạt động còn tạo sự lan tỏa ra nhiều lĩnh vực khác. Đó là các tour du lịch tham quan những cánh đồng điện gió luôn thu hút khách. Những tuyến đường giao thông được mở ra vừa phục vụ nhà máy điện gió vừa tạo ra sự kết nối giữa các xã vùng miền núi biên giới.

Theo đánh của Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị, các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh đều chấp hành về pháp luật đất đai, xây dựng, đầu tư và phát huy hiệu quả, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Một dự án điện gió tại Quảng Trị

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, thu hút đầu tư vào làm điện gió là chủ trương đúng, vì mang lại lợi ích kinh tế lớn khi 1MW điện gió đóng góp vào nguồn thu địa phương từ 600 - 800 triệu đồng/năm. Làm điện gió cũng ít tác động đến môi trường. Minh chứng là làm 1MW điện gió chỉ sử dụng 0,65ha đất, trong đó, có 0,35ha đất vĩnh cửu, còn lại 0,3ha là tạm thời. 

Theo thống kê, tỉnh Quảng Trị đã chuyển đổi 148ha rừng trồng (không có diện tích rừng tự nhiên) để phục vụ triển khai các dự án điện gió. Trong quy hoạch, tỉnh Quảng Trị cũng dành 439/1.800ha đất cho phát triển các dự án điện gió. Để phát triển điện gió bền vững, tỉnh Quảng Trị cũng khẳng định “không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, không chuyển đổi rừng tự nhiên để làm điện gió”. 

Điện gió là một trong những ngành công nghiệp tiềm năng và phát triển bền vững trong tương lai. Tuy nhiên, ngành công nghiệp này tương đối mới mẻ tại Việt Nam. Vì vậy, sẽ có những khó khăn nhất định cho việc thành công của một dự án điện gió. Chúng ta có thể liệt kê các ý chính và các giải pháp thực hiện như sau:

Kinh tế và tài chính: thường một dự án điện gió thành công đòi hỏi phải đầu tư công suất khá lớn. Tuy nhiên, giá thành đầu tư vào điện gió hiện nay cũng còn khá cao. Điển hình như dự án Điện gió Bạc Liêu có tổng mức đầu tư khoảng 5.300 tỷ đồng với tổng công suất khoảng 99,2 MW do Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại và Du lịch Công Lý thực hiện. Dự án này được sự hỗ trợ từ một ngân hàng Hoa Kỳ thông qua sự bảo lãnh cho vay từ Chính phủ. Do đó, giải pháp thực hiện một dự án điện gió thành công thì cần phải có sự hỗ trợ kịp thời về tài chính của các tổ chức tín dụng uy tín trong nước, quốc tế và Chính phủ.

Các thủ tục hành chính và rào cản pháp lý: đây có thể nói là một trong những rào cản lớn nhất. Hiện nay, các chính sách về thủ tục đầu tư, hợp đồng, giá cả mua bán điện giữa chủ đầu tư dự án và các đơn vị có liên quan vẫn chưa được ban hành một cách đầy đủ và đồng bộ. Sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, địa phương quyết định rất lớn đến yếu tố thành công của dự án. Đồng thời, các thủ tục, hành lang pháp lý cần phải được minh bạch, rõ ràng, tạo cơ chế đặc thù cho sự phát triển của ngành năng lượng xanh này.

Dòng đời dự án: các tuabin hầu hết được làm bằng vật liệu thép, phần công nghệ như máy phát điện, hệ thống cơ và trục trong tuabin cũng như cánh quạt được thiết kế bằng các vật liệu và có độ bền trong quá trình hoạt động khoảng hơn 20 năm. Do đó, thường một dự án điện gió được quy hoạch phát triển trong khoảng thời gian 20 - 30 năm. Vì vậy dòng đời dự án là yếu tố quan trọng trong việc tính toán điểm hòa vốn chi phí. Hiện nay các dự án điện gió cần phải được hỗ trợ để tạo động lực phát triển cho ngành công nghiệp này. Các giải pháp mà Chính phủ có thể áp dụng như: hỗ trợ hơn nữa trong việc cho thuê/mua đất giá rẻ, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp đầu tư dự án…

Công nghệ: đầu tư ứng dụng công nghệ mới, công nghệ sạch, công nghệ xanh để giảm tiêu thụ năng lượng và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng; các động cơ điện dùng công nghệ mới sao cho hiệu suất động cơ điện cao hơn, nguồn tích trữ năng lượng tốt hơn.

Mặt khác, bất kỳ một dự án đầu tư nào muốn thực hiện thành công và hiệu quả, có 3 yếu tố quyết định là vốn, cơ chế chính sách và sự chỉ đạo, lãnh đạo từ trung ương tới địa phương, tới các nhà đầu tư, nhà thầu.

Trong những năm qua việc đầu tư các dự án điện gió của các đơn vị tại Quảng Trị luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo của chính quyền địa phương các cấp cũng như người dân xung quanh khu vực dự án. Mong sao trong thời gian tới và những năm tiếp theo các doanh nghiệp đầu tư dự án điện gió luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền địa phương các cấp và sự giúp đỡ của nhân dân địa phương tỉnh Quảng Trị.

Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam luôn sẵn sàng tạo điều kiện và trợ giúp để các doanh nghiệp đầu tư dự án điện gió tại tỉnh Quảng Trị phát triển hơn nữa. Hiệp hội có thể tư vấn, trợ giúp, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các doanh nghiệp đầu tư dự án điện gió và là cầu nối giữa các doanh nghiệp đầu tư dự án điện gió với cơ quan nhà nước. Hiệp hội cũng có thể góp phần phát triển ngành thông qua các hội nghị, hội thảo và các chương trình giáo dục đào tạo trong ngành. Chúng tôi tin tưởng rằng tương lai ngành điện gió của Việt Nam sẽ hết sức tươi sáng và rất sẵn lòng hỗ trợ nếu cần.

Chúng tôi tin tưởng hội nghị ngày hôm nay là một diễn đàn quy tụ các tổ chức, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư uy tín để cùng gặp gỡ đối thoại, cũng như từ đó gia tăng cơ hội hợp tác đầu tư, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Trị trong năm nay và các năm tiếp theo.

TS. Nguyễn Như Chinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam