Tin hoạt động hiệp hội

VCEA sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022

Chủ nhật, 10/7/2022 | 10:00 GMT+7
Ngày 9/7, Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam (VCEA) tổ chức họp Ban Thường vụ mở rộng để sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.

Tham gia cuộc họp có TS. Mai Duy Thiện, Chủ tịch Hiệp hội; Phó Chủ tịch kiêm Chánh văn phòng Hiệp hội Mai Công Mừng; các Phó Chủ tịch: Nguyễn Như Chinh, Đỗ Đức Quân và các ủy viên là PGS.TS Bùi Huy Phùng, TS. Nguyễn Mạnh Hiến.

Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam tổ chức họp Ban Thường vụ mở rộng để sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022

Phát biểu tại cuộc họp, TS. Mai Duy Thiện, Chủ tịch VCEA cho biết: Thời gian qua, dù ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng Hiệp hội vẫn duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả. Hiệp hội đã phối hợp tổ chức thành công nhiều hội thảo khoa học liên quan đến sự phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả... 

Đặc biệt, Hiệp hội đã có nhiều ý kiến, đóng góp, kiến nghị đối với các cơ quan quản lý nhà nước như Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND các tỉnh nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh như đề nghị Chính phủ gia hạn thời điểm phát điện thương mại cho các dự án điện gió, các chính sách nhằm phát triển điện mặt trời, điện sinh khối, điện gió ở Việt Nam...

Phó Chủ tịch kiêm Chánh văn phòng Hiệp hội Mai Công Mừng giới thiệu các đại biểu tham gia cuộc họp

TS. Mai Duy Thiện nhấn mạnh: Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tuyên bố mục tiêu Việt Nam cam kết sẽ giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Theo nhiều chuyên gia, để hiện thực hóa điều này, trước mắt, cần sớm loại bỏ các dự án gây ô nhiễm môi trường, cùng với đó, có các giải pháp tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo vào hệ thống lưới điện Việt Nam. Đây là cơ hội để ngành năng lượng tái tạo tiếp tục bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, từ khi dịch COVID-19 dần được kiểm soát, các hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống bắt đầu phục hồi, phát triển trở lại thì hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng sạch cũng trở nên rất sôi động, đặc biệt ở khu vực phía Nam. 

Trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng dành nhiều sự quan tâm tới lĩnh vực năng lượng sạch tại Việt Nam. Từ đầu năm 2022 đến nay, VCEA đã có hàng loạt cuộc gặp gỡ làm việc với các đối tác nước ngoài từ châu Âu, Hoa Kỳ, Ấn Độ... Hiệp hội cũng cử đại diện tham gia Diễn đàn Kinh tế thế giới...

Ngày 2/7, Hiệp hội chính thức khai trương trụ sở mới của Văn phòng Đại diện Hiệp hội tại TPHCM, tọa lạc tại số 156 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, TPHCM. Cũng tại buổi lễ, Hiệp hội đã trao Chứng nhận hội viên mới cho các hội viên mới kết nạp, đồng thời trao tặng Bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong các hoạt động của Hiệp hội năm 2021 và nửa đầu năm 2022.

Cơ quan truyền thông của Hiệp hội là Tạp chí Năng lượng Sạch Việt Nam cũng ngày càng khẳng định vị thế với các tin bài nhanh chóng, kịp thời liên quan đến những chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước cũng như của Bộ, ngành liên quan đến sự phát triển năng lượng nói chung, năng lượng sạch nói riêng. Bên cạnh đó, Tạp chí cũng phản ánh hoạt động sôi động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng sạch nói chung và các thành viên của Hiệp hội nói riêng.

TS. Mai Duy Thiện, Chủ tịch VCEA trình bày báo cáo sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm cũng như phương hướng triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của Hiệp hội

Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam cũng nhận định, thời gian qua, ngành năng lượng tái tạo Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, thần tốc. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã gây ra những hậu quả vô cùng nặng nề cho toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, ngành năng lượng tái tạo cũng chịu nhiều thiệt hại. Cụ thể là các công trình dự án điện mặt trời, nhất là điện gió bị gián đoạn nguồn cung cấp, nguồn lao động, phải tạm dừng thi công một thời gian dài, trong khi thời hạn cuối cho những quy định được hưởng giá FIT không được gia hạn dẫn đến một loạt các dự án có nguy cơ phá sản. Thậm chí, nhiều dự án đã lắp đặt hoàn chỉnh nhưng không được đưa vào vận hành do chưa có cơ chế cho việc mua điện. 

Trong khi đó, các dự án điện mặt trời áp mái là nguồn điện phân tán cao, đem lại lợi ích rất lớn cho ngành năng lượng tái tạo và cho đất nước nhưng việc chính sách chưa rõ ràng, nhất quán và chưa có các hướng dẫn chi tiết để thực hiện dẫn đến nhiều dự án phải phát sinh nhiều chi phí như phòng cháy chữa cháy, giấy phép xây dựng, giấy phép đăng ký kinh doanh… Đặc biệt là chịu áp lực rất lớn từ việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dừng thanh toán. Từ đó, việc thanh khoản với ngân hàng gặp khó khăn dẫn đến tâm lý hoang mang cho các nhà đầu tư.

Những khó khăn nêu trên dẫn đến một số lượng vốn đầu tư hàng tỷ USD đã được đầu tư vào ngành năng lượng tái tạo phải nằm chờ, hiệu quả của dự án bị giảm sút nghiêm trọng, thời gian thu hồi vốn bị kéo dài gây lãng phí rất lớn các nguồn lực xã hội và làm nản lòng các nhà đầu tư trong nước cũng như quốc tế.

Vì thế, Chủ tịch Hiệp hội nhấn mạnh, trong thời gian tới, nhất là từ nay đến cuối năm 2022, VCEA sẽ tiếp tục bám sát hội viên để ghi nhận những vấn đề doanh nghiệp phản ánh, những vấn đề nóng bỏng liên quan đến các quy định và chính sách tác động trực tiếp tới doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng sạch. Từ đó, Hiệp hội sẽ tiếp tục đóng góp, kiến nghị đối với các cơ quan quản lý nhà nước nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh việc gắn kết với các hội viên đã có, đưa hoạt động của VCEA trở nên ngày càng thực chất, đi vào chiều sâu, Hiệp sẽ tiếp tục phát triển thêm các hội viên mới, thành lập các chi hội thành viên mới trên toàn quốc.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Thường vụ mở rộng của VCEA nhất trí tán thành với báo cáo sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm cũng như phương hướng triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 mà Chủ tịch Hiệp hội đã trình bày. 

Trong đó, Ban Thường vụ mở rộng của VCEA nhấn mạnh đến việc Hiệp hội sẽ tiếp tục đồng hành, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng sạch, từ đó đóng góp, kiến nghị với các cơ quan chức năng để góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho chủ đầu tư.

Đỗ Hương