Năng lượng gió

Việc gia hạn thời gian áp dụng cơ chế giá FIT điện gió là cần thiết

Thứ năm, 30/9/2021 | 19:00 GMT+7
Theo TS. Mai Duy Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam, việc Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét gia hạn thời gian áp dụng cơ chế ưu đãi giá điện cố định (FIT) với các dự án điện gió là cần thiết.

TS. Mai Duy Thiện cho biết, do khí hậu và vị trí địa lý, Việt Nam có nhiều thuận lợi trong việc phát triển điện gió, điện mặt trời. Như nước ta có đường bờ biển dài, phía Trung và phía Nam có thời gian nắng và bức xạ nhiệt lớn. Trong những năm gần đây, thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ, chúng ta đã phát triển được nguồn điện năng lượng tái tạo lớn với hàng chục nghìn MW phục vụ cho đời sống và sản xuất kinh tế.

TS. Mai Duy Thiện phát biểu tại một hội thảo về năng lượng tái tạo

Riêng với điện gió, hiện nay, cả nước mới có 12 dự án điện gió đã đi vào hoạt động với tổng công suất 581,93MW, chưa đạt được mục tiêu 1.000MW vào năm 2020 như trong Quy hoạch phát triển điện VII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 130 dự án điện gió đã ký hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với tổng công suất hơn 7.400MW. Các dự án này đang gấp rút hoàn thành theo mục tiêu để phát điện thương mại hạn chót vào ngày 31/10/2021.

“Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trên toàn cầu; nhất là từ tháng 4/2021 đến nay, các tỉnh phía Nam chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh nên tiến độ phát triển các dự án điện gió khó hoàn thành theo kế hoạch. Do vậy, việc rất nhiều doanh nghiệp, hiệp hội và UBND các tỉnh, thành phố đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét gia hạn áp dụng giá FIT điện gió thêm một thời gian là rất cần thiết.

Nếu không được gia hạn thì 130 dự án đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN sẽ gặp nhiều khó khăn. Trước hết là vấn đề vốn bởi suất đầu tư dự án điện gió cao khá cao”, TS. Mai Duy Thiện chia sẻ.

TS. Mai Duy Thiện cho biết thêm: Ngày 20/7/2021, Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam đã có công văn số 198/CV-VCEA kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan về việc gia hạn thời điểm phát điện thương mại từ 3 - 6 tháng cho các dự án điện gió đang thực hiện theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tránh việc hàng loạt chủ đầu tư dự án điện gió bị phá sản do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Các lý do mà Hiệp hội đưa ra là cơ bản và khách quan. Cụ thể là một số nhà cung cấp thiết bị điện gió trên thế giới bị gián đoạn sản xuất do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 dẫn đến nguồn cung thiết bị của các dự án không về kịp theo đúng tiến độ đã cam kết làm ảnh hưởng rất lớn đối với các dự án điện gió đang triển khai. Cũng do dịch bệnh nên các chuyên gia nước ngoài không thể đến Việt Nam đúng thời hạn; việc vận chuyển thiết bị gặp rất nhiều trở ngại do phải thực hiện quy định để phòng chống dịch tại các địa phương.

Bên cạnh đó, nguồn lao động đang thi công trên các công trường bị thiếu hụt rất trầm trọng vì nhiều tỉnh thành đang thực hiện cách ly theo Chỉ thị 15/CT-TTg và Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Việc nghiệm thu vận hành thương mại cũng tiềm ẩn nhiều trở ngại khi hàng loạt dự án cùng thực hiện công việc này vào tháng 9 và 10/2021; trong khi các địa phương quy định rất chặt chẽ về cách ly người từ nơi khác đến. Do vậy, EVN sẽ khó bố trí đủ lực lượng để hoàn thành công việc này.

Nhà đầu tư dự án điện gió gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19. (Ảnh minh họa)

Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam nhấn mạnh: Trong những năm vừa qua, các chủ trương của Đảng, Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã tạo điều kiện cho việc phát triển năng lượng tái tạo nói chung, trong đó có điện mặt trời, điện gió tại nước ta. Những năm gần đây, sự phát triển vượt bậc về năng lượng tái tạo đã thể hiện vai trò của nguồn năng lượng này với nền kinh tế nước ta cũng như phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay trên thế giới.

Việc gia hạn thời gian áp dụng giá FIT điện gió cũng sẽ là động thái góp phần thúc đẩy xã hội hóa nguồn vốn đầu tư, huy động được nguồn vốn lớn từ khối tư nhân, giảm áp lực cho khối doanh nghiệp nhà nước để tăng cường phát triển các nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Đỗ Hương