Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lào Bounkham Vorachit khẳng định, Việt Nam và Lào là hai quốc gia láng giềng có mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện. Mối quan hệ này là nền tảng cho sự hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường hai nước.
Hai bên còn rất nhiều tiềm năng hợp tác về lĩnh vực tài nguyên và môi trường do đó Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Đỗ Đức Duy và Bộ trưởng Bounkham Vorachit đã cùng thảo luận, đánh giá khách quan, toàn diện về kết quả hợp tác song phương thời gian qua, đồng thời thảo luận các định hướng hợp tác trong giai đoạn tới, bảo đảm phù hợp với bối cảnh toàn cầu, khu vực và điều kiện cụ thể của mỗi nước.
![](/userfile/User/thanhtam/images/2024/10/10/tham-lao-20241010113742602.jpg)
Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đã thăm và làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường Lào
Theo đó, lãnh đạo các đơn vị hai bên cùng điểm lại một số nội dung hợp tác nổi bật trong thời gian qua và đề xuất phương hướng hợp tác của từng lĩnh vực.
Việt Nam và Lào là hai quốc gia có tài nguyên đa dạng sinh học phong phú. Do đó, hai bên tiếp tục hợp tác, tăng cường năng lực, xây dựng thể chế chính sách; hợp tác bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước lưu vực sông Mê Công. Tăng cường hợp tác trong bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học đối với các khu bảo tồn thiên nhiên tiếp giáp với đường biên giới hai nước, đặc biệt là bảo tồn loài nguy cấp, quý hiếm, loài di cư. Hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện mục tiêu của Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal.
Về tài nguyên nước, hai Bộ tiếp tục tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm về quản lý tổng hợp, bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước; đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học; chia sẻ số liệu vận hành các công trình khai thác sử dụng nước xuyên biên giới; phòng, chống và khắc phục thiên tai do nước gây ra nhằm góp phần bảo đảm an toàn, an ninh nguồn nước trên lưu vực sông xuyên biên giới.
Về hợp tác Ủy ban sông Mê Công, hai nước Việt Nam và Lào tiếp tục phối hợp theo dõi tác động thực tế của các dự án thủy điện cũng như thảo luận tại các diễn đàn của Ủy hội sông Mê Công quốc tế và các cơ chế hợp tác Mê Công liên quan khác.
Về môi trường và đa dạng sinh học, hai Bộ nghiên cứu cơ chế hợp tác phù hợp với tình hình thực tế mỗi nước để thúc đẩy hoạt động trong lĩnh vực môi trường một cách thực chất, có hiệu quả trong thời gian tới. Phía Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng thể chế quản lý chất thải rắn, chất thải sinh hoạt, Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa…
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường hai nước tiếp tục trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các cơ chế, khuôn khổ hợp tác khu vực, quốc tế; cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác trong thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng, hướng tới phát thải ròng bằng “0”.
Đối với lĩnh vực khí tượng thủy văn, hai Bộ trưởng duy trì hoạt động chỉ đạo cơ quan khí tượng thủy văn hai nước triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch thực hiện bản ghi nhớ, tập trung trao đổi, chia sẻ dữ liệu quan trắc khí tượng thủy văn bề mặt, về radar thời tiết, dữ liệu định vị sét và dữ liệu trạm quan trắc bề mặt nhằm hỗ trợ công tác dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai cấp quốc gia và cấp tỉnh; chia sẻ thông tin dự báo thời tiết nguy hiểm, cảnh báo thiên tai trước, trong quá trình thiên tai xảy ra nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản…
Trong quản lý đất đai, hai bên bước đầu trao đổi thông tin và kinh nghiệm về xây dựng chính sách từ năm 2019 trong quá trình tham vấn dự thảo sửa đổi Luật Đất đai của Quốc hội Lào.
Nhân dịp này, hai Bộ trưởng thống nhất ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bên và kỳ vọng văn bản sẽ góp phần tăng cường hợp tác toàn diện giữa hai Bộ; mở ra cơ hội hợp tác mới với nhiều sáng kiến, giải pháp cụ thể về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vì mục tiêu phát triển bền vững, vì lợi ích chung của hai nước.