Diễn đàn thu hút sự tham dự của 14 Bộ trưởng từ các quốc gia châu Phi, cùng đại diện FAO khu vực châu Á – Thái Bình Dương và nhiều tổ chức quốc tế, chuyên gia phát triển nông nghiệp.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam nhấn mạnh: Diễn đàn hôm nay là kết quả cụ thể về sáng kiến của Tổng giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc, được khởi xướng trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 2/2025.
Sáng kiến này đã kết nối các nỗ lực toàn cầu và khu vực nhằm nâng cao hiệu quả thực thi chương trình OCOP của Việt Nam, cũng như sáng kiến OCOP toàn cầu của FAO, hướng đến mục tiêu "Bốn tốt hơn": sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và cuộc sống tốt hơn.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, tầm nhìn của Việt Nam về OCOP là xây dựng chuỗi giá trị bền vững, cạnh tranh và bao trùm, nâng cao thu nhập và chất lượng sống cho người dân. OCOP không chỉ là thương hiệu mà là mô hình tích hợp giữa nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã và cộng đồng trong hệ sinh thái sáng tạo, nâng cao năng lực, kiểm soát chất lượng, xây dựng thương hiệu và kết nối thị trường.
Từ thực tiễn triển khai hơn 7 năm qua, chương trình OCOP của Việt Nam không chỉ góp phần hiện thực hóa mục tiêu “Bốn tốt hơn” mà còn xác định và phát huy lợi thế sản phẩm chiến lược của từng địa phương, từng quốc gia, trên cơ sở tôn trọng bản sắc, khai thác bền vững và tiếp cận thị trường toàn cầu.

Diễn đàn cấp cao liên khu vực về mô hình OCOP
Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã đề xuất một số định hướng để thúc đẩy hợp tác Nam – Nam gắn với phát triển OCOP như thiết lập mạng lưới và cơ chế chia sẻ thông tin về chính sách, công nghệ, thị trường; tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực cho hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ ở nông thôn, đặc biệt chú trọng nhóm yếu thế như phụ nữ, người già, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số…
Thứ trưởng cũng đề xuất thí điểm mô hình hợp tác công – tư – cộng đồng để huy động tài chính, kỹ thuật và tri thức bản địa nhằm thúc đẩy nông nghiệp bền vững, hướng tới hệ thống lương thực – thực phẩm xanh và công bằng. Ông kêu gọi sự đồng hành của các tổ chức quốc tế, định chế tài chính, đối tác phát triển để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển triển khai hiệu quả mô hình OCOP.
Phó Tổng giám đốc FAO Beth Bechdol đánh giá cao sáng kiến OCOP của Việt Nam. Trong bối cảnh 75% lương thực toàn cầu chỉ đến từ 12 loài thực vật và 5 loài động vật, OCOP tạo cơ hội đa dạng hóa sản xuất, nâng cao năng lực chống chịu của hệ thống thực phẩm, góp phần bảo đảm an ninh lương thực và phát triển bền vững.
Bà Beth Bechdol nhấn mạnh, FAO cam kết đồng hành cùng các quốc gia trong phát triển OCOP. Chúng tôi đặc biệt quan tâm tới bài học của Việt Nam trong việc huy động sự tham gia của phụ nữ và nhóm yếu thế trong nông nghiệp.
Theo lãnh đạo FAO, OCOP không chỉ là động lực phát triển kinh tế địa phương mà còn là nền tảng cho chiến lược tăng trưởng nông nghiệp bền vững. Việc đa dạng hóa sản phẩm, tăng khả năng chống chịu và thúc đẩy chia sẻ tri thức giữa các quốc gia là chìa khóa để châu Á và châu Phi cùng hành động, cùng tiến về phía trước.
Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các văn phòng FAO đang tích cực hỗ trợ quảng bá sản phẩm OCOP, nâng cao năng lực địa phương và đưa các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng ra thị trường toàn cầu.
Thông qua sáng kiến sáng kiến Mỗi quốc gia một sản phẩm ưu tiên (phiên bản OCOP quốc tế), tổ chức FAO đang hỗ trợ phát triển 56 sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, góp phần nâng cao sinh kế cho người dân và phát huy tiềm năng, lợi thế, giá trị văn hóa từng địa phương.