Việt Nam chủ động hợp tác cùng phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công

Thứ sáu, 11/10/2024 | 10:33 GMT+7
Ngày 10/10, tại Thủ đô Viêng Chăn (Lào), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy làm việc với lãnh đạo Ban thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế (MRC) về vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước, phát triển bền vững cho các quốc gia trong lưu vực sông Mê Công.

Trong buổi làm việc, ông Anoulak Kittikhoun, Giám đốc điều hành Ban thư ký MRC mong muốn trao đổi, thảo luận nhiều vấn đề chung với Bộ trưởng Đỗ Đức Duy để tìm ra những giải pháp linh hoạt trong vấn đề an ninh nguồn nước, qua đó góp phần vào quá trình phát triển bền vững của các quốc gia thuộc lưu vực sông Mê Công.

Theo đó, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy và ông Anoulak Kittikhoun thống nhất quan điểm cho rằng, biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra gay gắt, cực đoan, khó lường, ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước của nhiều quốc gia trong khu vực. Thời gian tới, MRC cần tiếp tục hỗ trợ các quốc gia trong việc sử dụng bền vững, công bằng tài nguyên nước, đóng góp vào sự ổn định và phát triển chung của khu vực.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy và đoàn công tác Bộ Tài nguyên và Môi trường làm việc với lãnh đạo Ban thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đã trao đổi về năng lực dự báo, cảnh báo và ứng phó với các rủi ro thiên tai của Việt Nam và khu vực sông Mê Công. Theo Bộ trưởng, bão Yagi vừa qua đã gây thiệt hại cho nhiều quốc gia thành viên của Ủy hội như Việt Nam, Lào, Thái Lan. Mặc dù công tác dự báo đã được các quốc gia nỗ lực ở mức cao nhất nhưng vẫn chưa bảo đảm độ tin cậy, qua đó cho thấy nhu cầu hợp tác tăng cường năng lực về dự báo, cảnh báo thiên tại là rất cấp thiết.

Bộ trưởng đề nghị Ban Thư ký cần đề xuất thực hiện những dự án tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai cho các quốc gia thành viên; tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin với trung tâm dự báo quốc gia; nghiên cứu, xây dựng cơ chế phối hợp trong vận hành công trình khai thác, sử dụng nước, đặc biệt là hồ chứa nhằm góp phần phòng chống và giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong lưu vực.

Về vấn đề này, ông Anoulak Kittikhoun khẳng định, một nhân tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng dự báo chính là số liệu, dữ liệu quan trắc tài nguyên nước. Do đó, Ban Thư ký sẽ tiếp tục vận động các đối tác hỗ trợ tăng cường mạng lưới quan trắc, giám sát về khí tượng thủy văn, phù sa - bùn cát, thủy sản, môi trường sinh thái, góp phần theo dõi các biến động trong lưu vực và hỗ trợ đánh giá tác động của các dự án phát triển kinh tế; thúc đẩy việc trao đổi thông tin, chia sẻ dữ liệu giữa các quốc gia, đặc biệt là về vận hành công trình thủy điện trong lưu vực.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết thêm, là quốc gia ở hạ nguồn, Việt Nam rất quan tâm đến những tác động tiềm tàng của tài nguyên nước vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tác động của biến đổi khí hậu những năm gần đây đã làm gia tăng hạn và xâm nhập mặn tại khu vực trên. Do đó, Bộ trưởng đề nghị Ban Thư ký nghiên cứu, đưa ra các kết luận khoa học, chính xác và khách quan, đồng thời đề xuất giải pháp hợp tác giữa các quốc gia để giảm thiểu tác động tiêu cực.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng mong muốn Ban thư ký MRC phối hợp với các quốc gia thành viên trong việc tăng cường hợp tác với 2 nước thượng lưu sông là Trung Quốc và Myanmar để bảo đảm sự quản lý tổng hợp trên toàn lưu vực sông Mê Công - Lan Thương; kêu gọi sự trợ giúp của các đối tác phát triển, tổ chức quốc tế cho hoạt động của MRC; tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động của Ủy hội.

Ông Anoulak Kittikhoun mong muốn sẽ có thêm nhiều sự đồng hành của Việt Nam cho các mục tiêu chung của MRC; đồng thời cho biết sẽ nỗ lực hết sức mình để có nhiều thành công trong các hoạt động góp phần vào sự phát triển bền vững của các quốc gia thuộc lưu vực sông Mê Công.

Khánh An (T/H)